''Sóng ngầm'' trong quan hệ thương mại Pháp-Mỹ

Thuế GAFA - đánh vào doanh thu của các công ty đa quốc gia công nghệ số bao gồm những "gã khổng lồ" Mỹ là nguồn cơn chính trong căng thẳng thương mại thời gian qua giữa hai nước đồng minh Pháp và Mỹ.
''Sóng ngầm'' trong quan hệ thương mại Pháp-Mỹ ảnh 1(Nguồn: thelocal.fr)

Những ngày tháng sóng gió trong quan hệ thương mại giữa Pháp và Mỹ, vốn đã dịu bớt sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra cuối tháng Tám tại thành phố Biarritz (Tây Nam nước Pháp), đã tạm thời khép lại vào giữa tháng Chín.

Nguyên nhân là do Google chấp nhận trả gần 1 tỷ USD cho Pháp để kết thúc tất cả các vụ điều tra pháp lý về gian lận thuế do Viện Kiểm sát tài chính quốc gia Pháp tiến hành từ năm 2015 nhằm vào tập đoàn công nghệ Mỹ này.

Hóa giải bất đồng

Thuế GAFA - đánh vào doanh thu của các công ty đa quốc gia công nghệ số bao gồm những "gã khổng lồ" Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple - là nguồn cơn chính trong căng thẳng thương mại thời gian qua giữa hai nước đồng minh Pháp và Mỹ.

Được Quốc hội Pháp chính thức thông qua vào tháng 7/2019, thuế này áp dụng cho hai loại dịch vụ kỹ thuật số: giao diện kỹ thuật số (hoặc dịch vụ trung gian) cho phép người dùng ở Pháp liên hệ với người dùng khác để cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ; bán các quảng cáo trên nền tảng web dựa trên dữ liệu được thu thập khi người dùng truy cập.

Các công ty bị đánh thuế là có doanh thu hằng năm từ các dịch vụ trên vượt 750 triệu euro trên toàn thế giới và 25 triệu euro trên toàn nước Pháp. Số tiền thuế được tính bằng cách áp dụng tỷ lệ 3% trên doanh thu thực hiện tại Pháp.

[Google "giáng đòn đau" vào luật bản quyền của EU tại Pháp]

Theo Bộ Kinh tế Pháp, thuế mới này dự kiến sẽ mang lại 400 triệu euro vào năm 2019 và 650 triệu euro vào năm 2020.

Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump ngay lập tức đã đáp trả lại bằng lời đe dọa rằng "một hành động trả đũa đáng kể" sẽ sớm được công bố liên quan đến các sản phẩm của Pháp được nhập khẩu vào Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp bị bao phủ bởi một bầu không khí kinh tế-chính trị quốc tế căng thẳng, khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế suất mới đối với rượu vang Pháp, hiện đang chiếm 30% thị trường rượu nhập khẩu Mỹ, ở mức cao "chưa từng thấy trước đây."

Nhiều cuộc đàm phán riêng bên lề Hội nghị thượng đỉnh giữa hai phái đoàn Pháp và Mỹ đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Tại buổi họp báo bế mạc hội nghị, hai Tổng thống đã bày tỏ mong muốn áp dụng một loại thuế kỹ thuật số quốc tế mới kể từ năm 2020. Các điều khoản của thuế này được soạn thảo bởi một nhóm làm việc do Pháp và Mỹ chủ trì, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ áp dụng thuế quốc tế này thay cho thuế GAFA, ngay khi các điều khoản được hoàn thành và thông qua. Hơn nữa, Pháp hứa sẽ hoàn trả khoản chênh lệch giữa hai loại thuế trên cho các "ông lớn" công nghệ số.

Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố rằng dự định tăng thuế đối với rượu vang Pháp không còn nằm trong chương trình nghị sự.

Đằng sau cuộc chiến pháp lý

Khoảng nửa tháng sau khi nguy cơ trả đũa thương mại lắng dịu giữa hai nước đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương, cuộc chiến pháp lý giữa Pháp và Google kéo dài bốn năm đã kết thúc khi "gã khổng lồ" Mỹ đồng ý trả gần một tỷ euro tiền phạt và truy thu thuế cho Paris.

Theo Bộ trưởng Tài khoản công Pháp Gérald Darmanin, việc kết thúc cuộc chiến pháp lý này "mang tính lịch sử đối với nền tài chính công."

Trên thực tế, thỏa thuận này là kết quả của bối cảnh chính trị ấm lên trong quan hệ giữa Mỹ và Pháp, liên quan đến vấn đề gai góc là thuế GAFA.

Có thể nói, thỏa thuận giữa Pháp và Google là một phần trong việc tìm kiếm các giải pháp phối hợp giữa hai bờ Đại Tây Dương với sự bảo trợ của OECD.

Trong bối cảnh kinh tế-chính trị hiện nay, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các cam kết. Họ sẵn sàng, như trường hợp của Google tại Pháp, nộp trả tiền thuế.

Mới đây, Apple cũng đã đồng ý thanh toán 500 triệu euro tiền truy thu thuế trong vòng 10 năm trở lại đây.

1 tỷ euro mà Google đồng ý trả cho Pháp để chấm dứt vụ kiện trốn thuế là khoản tiền lớn, nhưng không đủ để ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của tập đoàn này. Đối với Pháp, chiến thắng này rất quan trọng trong chiến lược quốc gia chống gian lận thuế.

Với công cụ mới là thuế GAFA, Pháp đi đầu Liên minh châu Âu trong vấn đề đánh thuế những tập đoàn kỹ thuật số. Thuế GAFA là một cơ hội chưa từng có để Pháp tiếp tục thúc đẩy sáng kiến chính trị ở cấp độ châu Âu về chủ đề nóng này.

Một số quốc gia như Ireland, Thụy Điển hoặc Đan Mạch từ chối đóng cửa thị trường quốc gia, khi các quy định thuế nới lỏng đối với các công ty kỹ thuật số cho phép thu một khoản ngân sách quan trọng.

Nhằm tránh quy tắc đồng thuận, theo đó 28 quốc gia thành viên phải đồng ý trước khi hành động, Tổng thống Pháp Macron đã tiến hành cải cách một mình, với hy vọng sẽ là đầu tàu đối với các nước láng giềng và khẳng định vai trò của Pháp trong việc bảo vệ thị trường chung châu Âu.

Đối với Google, cũng như Apple, Facebook hay Amazon, chấp nhận trả tiền phạt nhằm tránh bị truy tố hình sự là một cách "làm sạch" hình ảnh của họ. Những "gã khổng lồ" này có các nền tảng web thương mại và dịch vụ toàn cầu và không thể để người tiêu dùng tẩy chay.

Và trên hết, họ cần tôn trọng các quy tắc rõ ràng trên thương trường quốc tế để có thể cạnh tranh với các đối thủ mới nổi: Baidu - Google Trung Quốc, Alibaba - Amazon Trung Quốc, Tencent - Facebook Trung Quốc và Xiaomi - Apple Trung Quốc (BATX).

Cho dù GAFA hiện không có đối thủ cạnh tranh ở phương Tây, BATX đang phát triển nhanh chóng ở phương Đông. Và các công ty công nghệ số Trung Quốc này đang tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu với khả năng tài chính lớn và hình ảnh sạch trong mắt người tiêu dùng.

"Sóng ở đáy sông"

Căng thẳng thương mại Pháp-Mỹ tạm thời chấm dứt, song các nhà phân tích thị trường vẫn giữ mối hoài nghi. Nguy cơ tiếp tục treo lơ lửng trên các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Pháp. Không ai có thể khẳng định rằng sau ba lần đe dọa chỉ trong vòng một năm, Tổng thống Trump sẽ không tiếp tục ý tưởng tăng thuế đối với rượu vang Pháp.

Chưa kể đến hàng loạt lĩnh vực quan trọng khác như hàng không và thời trang đồ hiệu. Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đang trong cuộc chiến pháp lý từ 15 năm nay với hãng Boeing của Mỹ.

Thương hiệu thời trang cao cấp LVMH cũng nằm trong tầm ngắm của ông chủ Nhà Trắng. Bên cạnh đó, danh sách hàng hóa Pháp mà Washington muốn tăng thuế bao gồm cả những thực phẩm và đồ dùng hàng ngày phô mai, quần áo, giường đệm và linh kiện đồng hồ... với tổng giá trị xuất khẩu không dưới 21 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục