Sông Lam “quặn mình”

Sông lớn nhất xứ Nghệ xuống cấp nghiêm trọng

Sông Lam đang “quặn mình” vì sự tàn phá của tự nhiên và con người, ngay trong mùa mưa vẫn có những nhánh sông cạn kiệt, trơ đáy.
Sông Lam - con sông lớn nhất tỉnh Nghệ An, từng đi vào thơ ca, nhạc họa - hiện đang “quặn mình” vì sự tàn phá của tự nhiên và con người, ngay trong mùa mưa vẫn có những nhánh sông, con suối trở nên cạn kiệt, trơ đáy.

Ngày 25 và 26/3, theo đoàn nhà báo của tỉnh và trung ương lên thủy điện Bản Vẽ, đi dọc Quốc lộ 7, hầu như ai trong chúng tôi cũng thấy xót xa khi chứng kiến cảnh sông Lam đoạn qua huyện Tương Dương và Con Cuông trơ đáy, bờ sông sạt lở đang uy hiếp cuộc sống người dân hai bên bờ.

Cũng cách đây chưa lâu, khi đến một số địa phương thuộc huyện miền núi Quế Phong, chúng tôi đã rất háo hức chờ được  tham quan thác Xao Va, một thắng cảnh du lịch khá nổi tiếng trên địa bàn.

Nhưng đến nơi, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy nước từ trên thác chảy lờ đờ, có những phiến đá đã có rêu mốc do lâu ngày nước không chảy đến.

Không thể phủ nhận những thành quả lớn lao khi con người biết khai thác các dòng sông một cách phù hợp với mục đích phát triển kinh tế xã hội, miền tây xứ Nghệ đang dần khởi sắc, địa phương cũng có thêm nguồn thu ngân sách từ những công trình thủy điện và từ những hoạt động khác liên quan đến sông.

Nhưng cách khai thác các dòng sông, con suối có phần thái quá như thời gian qua kéo theo nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà rõ nhất là sạt lở làm mất đất ở, đất sản xuất dọc hai bên bờ sông, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và gây ra lũ quét.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể do nạn chặt phá rừng ở đầu nguồn, khai thác khoáng sản bừa bãi, xây dựng các nhà máy thủy điện không theo quy hoạch./.

Nguyễn Văn Nhật (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục