Một cách tự nhiên nhất, nhạc đỏ hay nhạc cách mạng đã trở thành một phần trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, ấp ủ cảm xúc yêu thương, tự hào về những trang sử chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của người đi trước.
Qua những chương trình truyền hình, đài phát thanh, loa phát thanh, hay qua ông bà, cha mẹ mà thanh thiếu niên được "truyền" vào máu một dòng văn hóa, nghệ thuật thầm lặng nhưng mạnh mẽ, có chăng là chỉ chờ để được khơi gợi lên.
Khi nghe những ca khúc ấy, có người hào hứng pha chút phấn khích, có người trầm xuống như bày tỏ sự tiếc thương với lớp lớp cha ông đã ngã xuống. Trên chiến trường là những khốc liệt, hy sinh xương máu và đau thương, khi vào trong thơ ca được cô đọng lại thành tinh thần mạnh mẽ, kiên cường, niềm tự hào để vươn lên đấu tranh cả trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Trước những trang sử thấm đẫm sự hy sinh của cha ông, người trẻ ngày nay hiểu rằng nói ra tình yêu với đất nước thôi là chưa đủ. Họ biết mình sẽ phải phấn đấu nhiều, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả sự phát triển bền vững và tự chủ, độc lập của quê hương.
Video cảm nghĩ của người trẻ khi nghe "Đất nước trọn niềm vui" (1975), "Hà Nội niềm tin và hy vọng" (1972) và "Tiến về Hà Nội" (1949)./.