Tỉnh Thừa Thiên-Huế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) vừa tổ chức trưng bày, giới thiệu và lấy ý kiến của người dân về dự án "Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương."
Dự án, do KOICA tài trợ 6 triệu USD, để quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, với mục tiêu thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch.
Việc trưng bày diễn ra từ cuối tháng 5 đến hết ngày 30/6/2017, với nội dung: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cảnh quan kiến trúc, quy hoạch hạ tầng, thiết kế đô thị, quy hoạch du lịch văn hóa và đánh giá tác động môi trường.
Đáng chú ý, trong tổng thể dự án "Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương," có dự án thí điểm đường đi bộ ở phía bờ nam sông Hương (đoạn ở trung tâm thành phố Huế), từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng.
Dự án "Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương" có phạm vi nghiên cứu và lập quy hoạch với chiều dài 15 km dọc sông Hương, đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến ngang phố cổ Bao Vinh (gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên).
Khu vực lập quy hoạch có diện tích 836ha; trong đó, diện tích đất dọc bờ sông 313,6 ha; diện tích đất cồn Hến 26,4 ha; diện tích đất cồn Dã Viên 11 ha; diện tích mặt nước của sông Hương 485ha.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh quy hoạch chung của thành phố Huế tầm nhìn đến năm 2050 xác định "Xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu" theo định hướng phát triển không gian đô thị xác định cấu trúc không gian dọc hai bên bờ sông Hương.
[Nhật Bản hỗ trợ hơn 4,6 triệu USD trùng tu di tích Cố đô Huế]
Mục tiêu của quy hoạch phải làm nổi bật đặc trưng hình thái không gian của từng khu vực trong mối liên kết với các thành phần cấu trúc đô thị mà sông Hương là trục không gian chi phối các nguyên tắc tạo hình đô thị.
Theo đa số ý kiến đóng góp, dự án "Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương" cần phải xem xét tính kế thừa, bảo tồn, phát triển môi trường sinh thái thân thiện hai bên bờ sông Hương; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển giá trị văn hóa, lịch sử và du lịch. Đồng thời, việc thực hiện dự án thí điểm theo quy hoạch chiến lược để sông Hương trở thành trung tâm hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí của Huế.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng quy hoạch sông Hương cần phải có mục tiêu rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn; giải pháp nguyên thủy từ Huế và cân bằng giữa giải pháp xây dựng và cảnh quan tự nhiên, cân bằng giữa các dự án phát triển dọc bờ sông và các công trình hiện hữu; công tư cùng thực hiện và cộng đồng cùng tham gia quy hoạch.
Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc tổ chức không gian hai bên bờ sông phải đảm bảo tính nhất thể không gian và mối liên hệ tương hỗ giữa hai bên bờ sông; can thiệp cảnh quan hai bên bờ sông Hương theo nguyên tắc thích ứng di sản; làm sống lại cấu trúc đô thị phong cảnh đặc trưng duy nhất của Việt Nam và thay thế phương pháp tiếp cận quy hoạch phù hợp với đô thị di sản lịch sử.
Đặc biệt, nhiều ý kiến thống nhất với nhận định, giá trị của dòng sông Hương - đô thị di sản Huế không nằm ở chỗ lấp đầy các khoảng trống mà chính là độ thâm sâu chất chồng giá trị của các thành phần cấu trúc không gian đô thị hình thành trong hàng trăm năm qua.../.