Không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống gas trung tâm tồn tại để làm “cảnh”, chất lượng nhà xuống cấp chỉ sau gần một năm sử dụng là những nghịch lý đang tồn tại đã gần một năm nay ở khu chung cư CT5 (gồm hai đơn nguyên A và B) Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội do Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng số 1 Ba Đình làm chủ sở hữu. Trong khi chờ đợi các bên có trách nhiệm “quan tâm”, hàng trăm hộ dân ở đây ngày ngày vẫn phải tập “sống chung với nguy hiểm.” Nơm nớp nỗi lo "bà hỏa gõ cửa" Phản ánh tới Vietnam+, anh Đào Đức Hoàn, một hộ dân sinh sống tại chung cư này lo lắng cho hay: “Từ nhiều tháng nay, chúng tôi rất bất an vì hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà vẫn chưa được vận hành.” Cụ thể, theo tìm hiểu, trên thực tế, khi xây dựng tòa nhà, một hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được “dựng nên.” Tuy nhiên, do công trình tòa nhà chung cư bị chậm tiến độ gần 2 năm nên phần lớn hệ thống đã bị hỏng hóc hoặc bị lỗi thời so với những quy chuẩn mới về mặt thiết kế. Chính vì vậy, hiện chưa có cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt và cấp phép cho đi vào hoạt động. Không có hệ thống phòng cháy chữa cháy dẫn đến việc an toàn của hàng trăm người sống tại chung cư CT5AB luôn được đặt trong tình trạng nguy hiểm. Chưa hết lo lắng, anh Nghị (tầng 21 tòa CT5A) cho hay, vào rạng sáng ngày 17/6 vừa qua, tại khu vực hầm để xe của tòa nhà đã xảy ra một vụ cháy do xe máy tự phát nổ. Mặc dù đã được bảo vệ phát hiện và xử lý, nhưng điều khiến hàng trăm cư dân lo sợ là khi sự cố hết sức nghiêm trọng như vậy xảy ra, họ hoàn toàn không hề hay biết do hệ thống báo cháy của cả tòa nhà đã tê liệt. “Tại hiện trường, chúng tôi thấy chiếc xe máy bị thiêu rụi hoàn toàn chỉ còn trơ khung. Thậm chí một ôtô để bên cạnh cũng bị nhiệt độ làm cho cong vênh. Nếu lúc này không ai phát hiện ra, chúng tôi không biết hậu quả sẽ tới đâu,” anh Nghị bức xúc. Lo lắng cho sự an toàn của gia đình và bản thân, cộng đồng dân cư tòa CT5A đã nhiều lần kiến nghị về sự bất cập trên tới Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1. Thế nhưng, phía Công ty vẫn “phớt lờ”, không thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như không đưa ra bất cứ phương án nào để khắc phục.
Chiếc xe máy đột ngột phát nổ tại hầm xe
Điều đáng nói là trong Biên bản thanh lý nhà ở ký với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1 ngày 17/9/2012 có ghi rất rõ: “Bên B (tức khách hàng) cam kết chỉ đến ở khi bên A (tức Chủ đầu tư) có thông báo bằng văn bản: Tòa nhà đã đủ điều kiện vào ở, đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu cho phép đưa vào sử dụng. Thời gian vào ở chậm nhất là 30/9/2012”. Cũng theo Biên bản này, thì sau khi khách hàng thanh toán hết tiền cho phía Ba Đình thì sẽ được nhận bàn giao để quản lý và sử dụng. Như vậy, chiếu theo văn bản được ký kết giữa 2 bên, khách hàng có quyền sở hữu với căn hộ ngay từ thời điểm thanh lý hợp đồng [ngày 17/9/2012-PV]. Mặt khác, theo thỏa thuận, cuối tháng 9 cùng năm các hộ dân sẽ được chuyển vào ở trong nhà của mình. “Điều này đồng nghĩa với việc, từ ngày 17/9 đến 30/9, phía Ba Đình phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy cho cộng đồng,” anh Thành, một hộ dân sống tại tầng 12 phân tích. Tuy nhiên, thực tế, đến tận thời điểm đầu tháng 8/2013, tức là gần một năm sinh sống, các hộ dân vẫn chưa hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ phía Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng số 1 Ba Đình. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền ra mua các bình cứu hỏa để trang bị cho căn hộ của mình. Tuy nhiên, các gia đình sống ở tầng cao vẫn nơm nớp lo sợ, bởi theo họ, “nếu xảy ra cháy lớn, báo cháy không hoạt động, người ở trên cao chỉ còn nước ngồi… đợi bà hỏa gõ cửa.” "Đá bóng trách nhiệm"? Không chỉ hệ thống phòng cháy chữa cháy bị tê liệt, sau chỉ một năm sử dụng, nhiều hạng mục của chung cư CT5A và CT5B đã bắt đầu bộc lộ những bất cập nghiêm trọng. Theo thiết kế ban đầu cũng như trong thực tế, CT5 cả A và B đều được xây dựng hệ thống gas trung tâm, nhưng kỳ lạ là đến nay, hệ thống này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Điều này buộc người dân phải tự mua và vận chuyển bình gas lên tận từng căn hộ để sử dụng. Không những thế, chất lượng xây dựng công trình ở đây cũng đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều gia đình hiện đang gặp hiện tượng nước từ nhà vệ sinh ngấm vào chân tường. Nghiêm trọng hơn, đường ống nước chạy dưới sàn nhà của một số căn hộ còn bị bục. Anh Chung, một hộ dân ở tầng 9 tòa nhà B kể lại: “Khi phát hiện nước phụt thẳng lên từ nền nhà, chúng tôi tiến hành kiểm tra thì thấy ống dẫn nước bị nứt dọc thân chứ hoàn toàn không rò rỉ từ các mối nối. Kiến nghị lên phía Ba Đình thì gia đình lại bị ‘đẩy’ về phía đơn vị thi công là Công ty Hà Khê.” Mặc dù vậy, hơn nửa năm sau khi sự việc xảy ra, vẫn không hề có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm cũng như tiến hành tu sửa. Quá chán nản, các hộ dân lại thêm một lần móc tiền túi ra “vá chung cư”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với căn hộ thuộc tầng 21 nhà A của anh Nghị khi nhà vệ sinh trong phòng ngủ của gia đình anh bị gió lùa vào từ hộp kỹ thuật, dẫn đến đánh sập 4 tấm trần thạch cao và đèn trần. Căn hộ của anh Mạnh, tầng 12, cũng bị gió lùa qua hộp kỹ thuật, khiến trần nhà anh bị tụt hẳn xuống. Tuy chưa sập, nhưng anh phải thuê thợ đến sửa chữa và đẩy lên. Nghiêm trọng nhất, vào cuối tháng 5/2013 vừa qua, trong trận giông lớn tại Hà Nội, một trận gió to đã kéo đổ hoàn toàn hai ô cửa kính của tầng thương mại (khoảng 50m2 kính) đổ sập xuống hành lang phía trước Tòa nhà CT5A, làm hỏng 3 xe máy, 2 xe ôtô.
Hiện trường vụ rơi cửa kính
Anh Chung (ở tầng 9, Tòa nhà CT5B, Văn Khê) cũng cho biết, ngoài việc làm đổ 2 ô kính ở tầng thương mại, trận gió to này cũng khiến cho 1 chiếc cửa sổ tại tầng 18 bị thổi bay sang tận khu vực nhà trẻ gần đó, rất may là không ai bị thương. Điều đáng nói là sau khi một loạt các sự việc liên quan đến chất lượng tòa nhà xảy ra, cộng đồng dân cư đã liên tục kiến nghị với phía Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1 nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Quả bóng trách nhiệm vẫn tiếp tục được đá đi khi phía Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1 cho hay, Công ty không phải là Chủ đầu tư của Tòa nhà CT5A-B Văn Khê, mà Chủ đầu tư chính thức là Công ty Sông Đà Thăng Long. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1 chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, mua lại và có toàn quyền kinh doanh dự án. Đây cũng được coi là lý do khiến Ba Đình 1 “phớt lờ” quyền lợi của các khách hàng của mình. Mặc dù vậy, theo Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được ký giữa các bên hồi tháng 10/2010, phía Ba Đình 1 nêu rõ: Bên A [Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng số 1 Ba Đình-PV] có trách nhiệm “bảo hành công trình theo đúng quy định hiện hành từ ngày bàn giao công trình.” Luật sư Bùi Quang Hưng, trưởng văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho hay: Hợp đồng mua bán luôn được coi là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất để xem xét, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh về sau. "Hợp đồng quy định rõ bên A có trách nhiệm bảo hành công trình theo đúng quy định hiện hành từ ngày bàn giao công trình thì đương nhiên, bên A buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình," luật sư phân tích. Trong khi đó, khoản 4, điều 74 Luật Nhà ở 2005 quy định thời hạn bảo hành nhà chung cư được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu nhà ở để đưa vào sử dụng. Đối với nhà chung cư từ chín tầng trở lên thì thời gian bảo hành là không ít hơn sáu mươi tháng. "Căn cứ vào hợp đồng và Luật Nhà ở, bên A vẫn phải chịu trách nhiệm về những hỏng hóc tại tòa nhà không ít hơn sáu mươi tháng," ông Hưng khẳng định. Bởi vậy, cộng đồng dân cư tại Văn Khê hiện hết sức bức xúc vì thái độ "phủi tay" của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1. Trong lúc chờ đợi "quả bóng trách nhiệm" được đá qua đá lại, hàng trăm người đang dần phải tập dần việc sống chung với hiểm nguy đang rình rập và có thể đến bất cứ lúc nào../.
Sơn Bách (Vietnam+)