Năm 2021 đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng sau gần một năm “đóng băng” của các sự kiện thể thao-văn hóa lớn trên thế giới. Việc tổ chức những sự kiện này trở thành "liều thuốc tinh thần" xoa dịu những lo âu trong thời đại dịch.
Không khí sôi động trên các sân bóng, các lễ trao giải điện ảnh, âm nhạc lộng lẫy được xem là minh chứng cho thấy thế giới đã thích nghi với cuộc sống “bình thường mới.”
Sẽ còn đó dư âm của giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2020 lần đầu tiên được tổ chức đồng thời tại 11 thành phố của 10 quốc gia để kỷ niệm 60 giải đấu này ra đời.
Tại châu Mỹ, Copa America 2021 là một hồi kết đẹp cho ngôi sao bóng đá Lionel Messi, khi anh có danh hiệu lớn đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia sau 16 năm chờ đợi và đội tuyển Argentina của anh cũng chấm dứt được "cơn khát" danh hiệu suốt 28 năm qua.
Tại châu Á, Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được mô tả như "sự kiện lịch sử", "biểu tượng chiến thắng" hay "sự kiện của hy vọng"... khi quy tụ khoảng 15.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tới Nhật Bản tranh tài trong bối cảnh nhiều khu vực của nước chủ nhà được đặt trong tình trạng khẩn cấp để ứng phó dịch COVID-19.
Cả EURO, Copa America hay Olympic và Paralympic đều rất đáng nhớ về khâu tổ chức. Nếu theo đúng lịch, những sự kiện này lẽ ra đều diễn ra năm 2020, trong đó Copa America có 2 đồng chủ nhà là Colombia và Argentina, còn EURO đã được ấn định để tổ chức tại 12 thành phố trên khắp châu Âu với kỳ vọng thu hút khách du lịch tới.
Tuy nhiên, “cơn sóng thần” COVID-19 đã cuốn phăng mọi kế hoạch. Cả hai quốc gia đăng cai Copa America thậm chí đều từ bỏ vai trò chủ nhà, trong đó nguyên nhân chính là do dịch bệnh hoành hành dữ dội.
Tình thế bấp bênh của giải bóng đá quốc tế lâu đời nhất hành tinh chỉ được tháo gỡ sau khi Brazil bất ngờ nhận đăng cai ở thời điểm chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến giờ khởi tranh.
Việc có tổ chức hay không các giải thể thao quy mô lớn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt khi giới chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể khiến dịch bệnh lan rộng hơn, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân, bao gồm cả các vận động viên và thành viên trong ban tổ chức.
Tuy nhiên, chính phủ các nước và ban tổ chức các giải đấu đã thể hiện sự quyết tâm cao nhất, thậm chí chấp nhận bỏ qua lợi ích kinh tế, để sự kiện diễn ra một cách an toàn.
Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đưa ra những quy định ngặt nghèo và chưa từng có trong lịch sử, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo, cắt giảm số lượng quan chức tham dự, không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh để theo dõi các cuộc tranh tài và không cho khán giả ở Nhật Bản tới cổ vũ ở phần lớn các địa điểm thi đấu, cắt giảm tối đa hoạt động rước đuốc.
Điều này khiến cả hai sự kiện đi vào lịch sử khi trở thành kỳ thế vận hội đầu tiên vắng bóng khán giả trên các khán đài và là thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong lúc thành phố đăng cai vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.
[Vinh danh những vận động viên điền kinh xuất sắc nhất năm 2021]
Theo ước tính, việc tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo không có khán giả có thể sẽ gây thiệt hại tới 2.413,3 tỷ yen (gần 23,5 tỷ USD) cho Nhật Bản.
Tương tự, các trận đấu tại Copa America diễn ra không khán giả, ngoại trừ trận chung kết tại "thánh địa" Maracana. Những người tới sân sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2, bắt buộc phải đeo khẩu trang và tuân thủ biện pháp giãn cách. Toàn bộ 10 đội bóng tham gia giải đấu được xét nghiệm định kỳ. Việc di chuyển của các đội bị hạn chế nghiêm ngặt.
Tại châu Âu, những tiến bộ trong nỗ lực bao phủ vaccine ngừa COVID-19 trước thềm EURO 2020 đã giúp công tác tổ chức giải đấu này được thuận lợi hơn.
Tuy số lượng khán giả vào sân có phần hạn chế so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát và được cân đối dựa trên tỷ lệ tiêm phòng của người dân ở thành phố đăng cai, nhưng thế giới vẫn được chứng kiến không khí náo nhiệt trên cầu trường, những âm thanh cổ vũ không thể thiếu của "cầu thủ số 12."
Không chỉ lĩnh vực thể thao, ngành văn hóa-giải trí năm 2021 cũng chứng kiến sự hồi sinh với các giải thưởng âm nhạc, điện ảnh, các show biểu diễn thời trang theo những cách thức khác lạ, sau một năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19.
Trong “trạng thái bình thường mới,” các lễ trao giải bỗng trở nên gần gũi hơn với khán giả khi bớt đi vẻ hào nhoáng xa hoa, mà tập trung nhiều hơn vào chất lượng nghệ thuật.
Biểu đồ dịch tễ vô hình trung trở thành yếu tố quyết định xem sự kiện có thể diễn ra theo đúng dự kiến hay không và mùa giải thưởng của ngành công nghiệp giải trí Mỹ bị lùi thời điểm mở màn tới 2 tháng.
Ban tổ chức Quả cầu Vàng khi đó đã phải hủy lễ trao giải trực tiếp và dạ tiệc truyền thống tại Đồi Beverly dành cho những ngôi sao nổi tiếng. Để đảm bảo các quy tắc giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bệnh, Ban tổ chức đã "chia nhỏ" sự kiện tại 2 địa điểm là hội trường Rainbow Room ở New York và khách sạn Beverly Hilton tại California.
Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tiến hành trực tiếp và đồng thời tại hai địa điểm ở miền Đông và Tây nước Mỹ. Dù thiếu đi sự cổ vũ của đám đông người hâm mộ cũng như hàng nghìn ánh đèn flash của máy ảnh, nhưng các ngôi sao điện ảnh vẫn có thể diện những bộ trang phục mà họ yêu thích và quyến rũ xuất hiện trước người hâm mộ mà không gian thảm đỏ không đâu khác chính là phòng khách sạn hay nhà riêng của diễn viên.
Cũng được thể hiện ấn tượng không kém theo hình thức cầu truyền hình là lễ trao giải Oscar 2021. Sự kiện mở ra trước mắt người xem như một cuốn phim tài liệu, với những tên tuổi gạo cội Regina King, Brad Pitt, Harrison Ford, Halle Berry... trong vai trò người dẫn chuyện.
Trong 20 năm trở lại đây, lễ trao giải Oscar chỉ diễn ra ở Nhà hát Dolby, nhưng năm nay sự kiện này được tổ chức đồng thời tại cả hội trường nhà ga Union Station để đảm bảo đáp ứng tốt những yêu cầu về khoảng cách an toàn, giúp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Ban tổ chức áp dụng mô hình chống dịch tại các địa điểm, lập chốt xét nghiệm ngay cửa ra vào. Khách mời phải thực hiện 3 lần xét nghiệm COVID-19. Những khách quốc tế đến dự phải gửi kế hoạch di chuyển, lưu trú và thực hiện cách ly theo quy định.
Ban tổ chức cũng đã lập khoảng 12 điểm cầu truyền hình trực tuyến tại nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có London (Anh) và Paris (Pháp), để các nghệ sĩ có thể nhận giải qua truyền hình vệ tinh.
Ấn tượng hơn cả, nhờ những nỗ lực và tiến bộ trong công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 trên thế giới, Liên hoan phim quốc tế Cannes đã trở lại với giới mộ điệu môn nghệ thuật thứ 7 theo hình thức hoàn toàn trực tiếp và kéo dài trọn vẹn 12 ngày.
Do những hạn chế để phòng dịch, khách tham dự Cannes năm nay chỉ khoảng 28.000 người so với 35.000-40.000 người như các năm trước, nhưng trong số này vẫn có rất nhiều gương mặt tên tuổi như Bill Murray, Matt Damon hay Sharon Stone...
Toàn bộ khách mời đến với Cannes 2021 đều đã được tiêm vaccine, song vẫn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Ban tổ chức cũng yêu cầu khách mời không thuộc các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong tối đa 48 giờ trước khi tới Cannes (Pháp).
Ngoài ra, những người tham dự sự kiện này cũng thường xuyên phải thực hiện xét nghiệm nhanh để sàng lọc COVID-19, đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội. Không những thế, các điểm tổ chức LHP Cannes cũng được tận dụng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 cho người dân địa phương trong quá trình sự kiện này diễn ra.
Cũng chủ động thích ứng linh hoạt để trở lại với “nhịp sống thường niên” một cách an toàn nhất trong năm nay còn có cả LHP Venice (tại Italy), LHP Berlinale (Đức) hay Grammy - giải thưởng danh giá nhất trong làng âm nhạc thế giới...
Dù có phần “lạ lẫm” hơn so với phương thức tổ chức truyền thống, nhưng có thể thấy rõ lĩnh vực thể thao và văn hóa-giải trí đã vươn mình quyết đoán và mạnh mẽ để mang lại liều thuốc tinh thần quan trọng sau thời gian dài khủng hoảng vì COVID-19.
Giới quan sát đánh giá đó là những sự thần kỳ và là biểu tượng chiến thắng của con người trước đại dịch. Dịp lễ hội cuối năm nay có thể ít tưng bừng hơn và đâu đó vẫn còn tiềm ẩn âu lo. Làn sóng dịch bệnh có thể sẽ lại khiến các giải thể thao, các liên hoan âm nhạc hay điện ảnh buộc phải hủy bỏ. Tuy nhiên, tinh thần chiến thắng số phận và đam mê cuộc sống thì luôn luôn tồn tại.
Năm tới, trái bóng sẽ lăn trên sân cỏ Qatar, nơi sẽ tổ chức kỳ World Cup đầu tiên tổ chức ở vùng Vịnh và là World Cup đầu tiên tổ chức vào mùa Đông. Với ý thức phòng dịch nâng cao của mỗi người dân, cùng sự phát triển của vaccine ngừa COVID-19, hy vọng các cầu trường sẽ lại đầy ắp khán giả.../.