Năm 2021 là năm thứ hai đại dịch COVID-19 hoành hành, thế giới đối mặt với những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn, gây nhiều tổn thất hơn khi một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.
Với sự giúp sức của “vũ khí hữu hiệu” vaccine, nhiều nước đã từng bước tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt để vừa kiềm chế dịch, vừa mở cửa trở lại, khôi phục kinh tế-xã hội.
Chùm tác phẩm “Nhìn lại thế giới 2021: Sống chung với COVID-19” gồm 7 bài viết sẽ điểm lại tình hình dịch trong năm 2021, các nỗ lực phòng dịch và thích nghi để đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới.”
Bài 1: Những đợt sóng dữ mang tên “biến thể”
Biến thể mới Omicron bất ngờ xuất hiện cuối tháng 11, khi thế giới vẫn chưa vượt qua những đợt “sóng dữ” do biến thể Delta gây ra.
Ngoài hai “biến thể đáng quan ngại" Delta và Omicron, thì Delta plus cùng các “biến thể đáng quan tâm” Lambda và Mu cũng từng gây “cảnh báo sóng thần” trong năm.
Có thể nói trong cuộc chiến ứng phó với COVID-19, “biến thể” là từ được nhắc tới nhiều nhất năm 2021.
Biến thể Delta
Khi biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ cuối năm 2020, có lẽ ít ai lường trước được rằng đây sẽ là thủ phạm chính gây ra gần 200 triệu ca nhiễm mới trong năm 2021, làm đảo lộn các lộ trình chống dịch và phục hồi của cả thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 99,5% số ca mắc COVID-19 có giải trình tự gene được công bố trên cơ sở dữ liệu công khai đều là Delta.
Với thời gian ủ bệnh ngắn, tải lượng virus trong mũi cao gấp 1.260 lần và có khả năng lây truyền nhanh hơn 125% so với khi nhiễm virus phiên bản gốc ở Vũ Hán, trong các trường hợp nhiễm Delta, nguy cơ nhập viện cũng tăng 108%, nguy cơ phải điều trị tích cực tăng 235% và nguy cơ tử vong cao hơn 133%.
Biến thể Delta còn giảm hiệu quả của vaccine cùng các phương pháp chữa trị, đặt ra thách thức lớn đối với nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Delta càn quét qua hầu hết các khu vực đúng lúc thế giới có phần “thả lỏng,” cho rằng dịch sắp đến hồi kết vì đã có trong tay vũ khí vaccine. Kết quả, hơn 3,3 triệu người đã thiệt mạng vì COVID-19 trong 12 tháng qua, vượt xa con số 1,9 triệu ca của năm 2020.
Nhiều nước châu Á, vốn kiểm soát khá tốt đợt dịch đầu tiên, chịu thiệt hại nặng nề nhất vì sớm mở cửa trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp.
Điển hình là Ấn Độ. Việc người dân chủ quan, bỏ qua các biện pháp phòng dịch trong mùa lễ hội đầu năm đã dẫn đến làn sóng lây nhiễm lên tới 200.000 ca/ngày vào tháng Tư, đỉnh điểm có ngày ghi nhận hơn 414.000 ca nhiễm hay ca tử vong cao nhất là hơn 3.600.
Có giai đoạn, số ca mắc mới ở Ấn Độ chiếm hơn 46% tổng số ca mắc mới trên toàn cầu. Đợt dịch thứ hai, được coi là “cơn sóng thần” COVID-19, thực hiện làm “chao đảo” đất nước Ấn Độ, gây ra cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế trầm trọng.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Indonesia, Malaysia vào tháng Bảy, khi những nước này là các điểm nóng ở tâm dịch Đông Nam Á. Có thời điểm, Indonesia đứng đầu thế giới về số ca mắc trong ngày với khoảng 60.000 ca.
Việt Nam cũng đã trải qua làn sóng dịch thứ ba và thứ tư do biến thể Delta. Đặc biệt là làn sóng lây nhiễm thứ tư, đợt dịch lớn nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất, bắt đầu từ ngày 27/ 4 với tâm dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ khi COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam (ngày 23/1/2020) đến hết ngày 14/12/2021, cả nước ghi nhận 1.443.648 ca mắc, trong đó có 28.333 ca tử vong, song tổng số ca mắc của cả 3 đợt dịch đầu tiên là 2.852 ca (35 ca tử vong).
Đặc biệt, trong làn sóng thứ tư, dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc nên xảy ra quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng trong thời gian ngắn.
Nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ suốt thời gian dài, trên phạm vi rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội.
[Châu Âu chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 trong hơn 2 tháng qua]
Biến thể Delta cũng “tấn công” cả các quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng đại trà sớm và đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao, như Israel, Mỹ hay châu Âu. Đặc biệt, tới cuối năm, làn sóng dịch Thu-Đông bùng phát mạnh đã khiến châu Âu lần thứ hai trở thành tâm dịch với số ca nhiễm mới theo ngày tại nhiều nước liên tục ở mức cao chưa từng có.
Thống kê của WHO hồi giữa tháng 11 chỉ ra tổng số ca mắc COVID-19 của châu Âu (khoảng 80 triệu ca) vượt tổng số ca của các khu vực Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. Hiện, trung bình khoảng 60% số ca mắc mới mỗi ngày trên toàn cầu là ở châu Âu.
Dịch bệnh không chỉ nghiêm trọng ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Đông Âu như Nga và Romania, mà cũng tăng nhanh chóng ở các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Anh - những nơi đã sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa, các hạn chế đi lại cũng như yêu cầu đeo khẩu trang.
Nhà báo Elly Burhaini phụ trách mảng y tế của tờ Jakarta Post khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Indonesia, nhận định những gì xảy ra tại châu Âu là một bài học, rằng làn sóng dịch mới có thể ập vào bất cứ lúc nào, đặc biệt khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng sau thời gian dài thắt chặt.
Dù Delta plus, Lambda và Mu chưa đủ sức gây ra các đợt "sóng thần" dịch bệnh, song cũng là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ của những biến thể mới.
Biến thể Omicron
Sự xuất hiện của biến thể Omicron ngay trước thời điểm Giáng sinh và Năm mới đang khiến cả thế giới lo ngại bởi các chuyên gia nhận định biến thể này có khả năng lây nhiễm rất nhanh do có số lượng đột biến nhiều nhất trong số các phiên bản của virus SARS-CoV-2.
Được phát hiện đầu tiên ở miền Nam châu Phi vào giữa tháng 11, chỉ trong gần nửa tháng, Omicron đã lây lan “thần tốc” đến châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hàng loạt nước tái áp đặt những biện pháp hạn chế đi lại, hoãn các kế hoạch mở cửa hoặc siết chặt những biện pháp phòng dịch ở mức cao.
Mặc dù hầu hết các ca nhiễm Omicron đều có những triệu chứng nhẹ, nhưng tốc độ lây nhiễm cao có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Đơn cử như tại Anh, biến thể Omicron đang lây lan "chóng mặt.”
Số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau hai đến ba ngày và hiện chiếm 40% ca mắc mới COVID-19 ở London. Anh cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron.
[WHO cảnh báo Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy]
Trong khi đó, Đan Mạch đang là nước châu Âu đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm biến thể Omicron. Đan Mạch ngày 13/12 ghi nhận 7.799 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ đầu dịch, trong đó 3.437 ca nhiễm Omicron, nhiều gấp đôi so với 2 ngày trước đó.
Giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge cho rằng quá trình tái tổ hợp của virus là một nguồn sinh ra biến thể mới, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Michael Head tại Đại học Southampton cũng đồng quan điểm rằng sự xuất hiện của các biến thể mới là “hệ quả tự nhiên của việc tiêm chủng quá thấp trên thế giới.”
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của các biến thể mới là do khả năng miễn dịch của con người suy giảm dần trong khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học đứng đầu bộ phận ứng phó với COVID-19 thuộc WHO, đánh giá nếu đạt được mục tiêu 70% dân số tiêm đủ vaccine, thế giới sẽ ở tình thế rất khác về mặt dịch tễ học.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo khi dịch bệnh chưa chấm dứt, virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi, với nhiều biến thể nguy hiểm hơn, có khả năng lây lan mạnh hơn.
Thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tức là virus đã tiến hóa và có khả năng “thích nghi” tốt hơn, buộc thế giới phải điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và “nâng cấp” vaccine, bào chế và phát triển các loại vaccine có khả năng chống biến thể virus.
Hiện, các nhà khoa học đang phác thảo biểu đồ dự báo thời điểm COVID-19 sẽ chuyển thành một căn bệnh đặc hữu, giống với những bệnh như sốt rét, bệnh sởi, hay một loại bệnh liên quan đến đường hô hấp theo mùa như cúm.
COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu đồng nghĩa với việc thế giới phải tìm cách thích nghi để “sống chung an toàn,” thay vì đợi đến lúc virus SARS-CoV-2 biến mất.
Thực tế này buộc các nước phải điều chỉnh chính sách chống dịch, từ Zero COVID (không có COVID) sang thích ứng linh hoạt, một mặt kiểm soát dịch bằng cách tăng cường tiêm chủng đại trà và thực hiện các quy định phòng dịch, mặt khác dần nới lỏng các hạn chế, mở cửa các đường biên giới, dịch vụ hàng không quốc tế…
Những đợt “sóng dữ” của biến thể Delta, Omicron cho thấy COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều đó đòi hỏi con người phải luôn cảnh giác và chủ động để kịp thời điều chỉnh, ứng phó với sức tấn công khó lường của virus SARS-CoV-2. /.