Sơn La thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 5.000ha diện tích cây đào, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao trồng, các hộ đều mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi.
Bà con vùng cao mong muốn cây đào trở thành hàng hóa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Bà con vùng cao mong muốn cây đào trở thành hàng hóa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn nhằm đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng và xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

Mặt khác, triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La để nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân về truy xuất nguồn gốc; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La yêu cầu việc triển khai thực hiện thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, qua triển khai rút kinh nghiệm để làm cơ sở đề xuất các nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Thời gian triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La từ ngày 25/1/2021 đến 30/3/2021. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân trồng cây đào trên đất nông nghiệp, vườn nhà tại 11 huyện, thành phố.

Nội dung triển khai thí điểm là khảo sát, xác định số lượng đào trồng, vùng trồng đào, xác định nguồn gốc cây đào, kê khai thông tin cây đào trên Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc NBC-TRACE tại địa chỉ https://www.trace.gov.vn/, trích xuất dữ liệu lên tem truy xuất quốc gia, bàn giao tem cho các tổ chức, cá nhân trồng cây đào; dán tem truy xuất và mua bán, kinh doanh.

Thực hiện thí điểm khoảng 150.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân trồng cây đào.

Thành phần tham gia là các tổ chức, cá nhân trồng cây đào trên đất nông nghiệp, vườn nhà; các cán bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố; Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn; Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố.

Các bước tiến hành, gồm:

Bước 1, đăng ký nhu cầu trước ngày 28/1/2021 do cán bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố thực hiện thống kê diện tích trồng đào và số lượng tem truy xuất nguồn gốc cần dùng của các tố chức, cá nhân trong bản, tiểu khu, tổ dân phố.

Bước 2, tổng hợp nhu cầu, kiểm tra xác nhận trước ngày 30/1/2021 do Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn, tổng hợp danh sách đăng ký của các bản, tiểu khu, tổ dân phố đảm bảo thông tin chính xác gửi Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp trình Sở Khoa học và Công nghệ.

[Xác nhận nguồn gốc cây đào, mai nhưng không tạo thêm thủ tục]

Bước 3, kê khai thông tin, kích hoạt tem truy xuất trước ngày 31/1/2021 do Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận đăng ký của các huyện, thành phố xác định nhu cầu cấp tem gửi Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia; đăng ký tài khoản cho các xã, phường, thị trấn trên Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc (https://www.trace.gov.vn/), thực hiện việc cập nhật, kê khai thông tin; kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho các bản, tiểu khu, tổ dân phố theo danh sách đã đăng ký.

Bước 4, cấp phát tem, hướng dẫn thực hiện truy xuất trước ngày 3/2/2021 do Sở Khoa học và Công nghệ cấp phát tem, hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào cho Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố bàn giao, cấp phát tem cho Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn.

Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức bàn giao cho các tổ chức, cá nhân trồng cây đào đã đăng ký thực hiện thí điếm truy xuất nguồn gốc cây đào.

Cùng đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cách thực hiện truy xuất nguồn gốc trên điện thoại thông minh.

Bước 5, sử dụng tem truy xuất. Các tổ chức, cá nhân tiếp nhận tem truy xuất nguồn gốc từ xã, phường, thị trấn dán lên cành đào của hộ nhà mình trồng trước khi bán cho thương lái, người mua đào.

Bước 6, tổ chức kiểm tra, xác nhận quá trình thực hiện xong trước ngày 6/2/2021 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá sơ bộ việc triến khai thí điếm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong quá trình triến khai thực hiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức thực hiện thí điểm truy xuất nguồn gốc cho cây đào theo theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 5.000ha diện tích cây đào trồng; trong đó, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà.

Cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán. Các hộ trồng đào trên địa bàn tỉnh Sơn La mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục