Sơn La: Đánh thức tiềm năng du lịch hấp dẫn ở huyện Vân Hồ

Nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, đa dạng, thảo nguyên đa sắc màu và nét văn hóa đặc sắc của người Mông.
Sơn La: Đánh thức tiềm năng du lịch hấp dẫn ở huyện Vân Hồ ảnh 1Thắng cảnh thác Nàng tiên, một địa điểm du lịch ấn tượng tại huyện Vân Hồ. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Huyện Vân Hồ nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc. Chính vì vậy, huyện đặc biệt quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nguồn lực cho kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Vùng đất giàu tiềm năng

Vân Hồ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, không khí mát mẻ quanh năm với nền nhiệt độ trung bình chưa đến 20 độ C. Nơi đây thường được ví với những điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Không khí nơi đây rất trong lành.  

Cách Thủ đô Hà Nội 170km, đường giao thông thuận tiện, Vân Hồ nằm giữa hai địa điểm du lịch nổi tiếng cấp quốc gia là vùng hồ thủy điện Hòa Bình và trung tâm Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Với địa hình cao nguyên đá vôi, Vân Hồ có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, đa dạng và phân bố trên toàn địa bàn; có thảo nguyên đa sắc màu (màu xanh của đồi chè, đồng cỏ; sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa cải...).

Mảnh đất này còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan độc đáo như thác Tạt Nàng, suối nước nóng Chiềng Yên; thác Chiềng Khoa, thác Nàng Tiên, rừng già Xuân Nha.

Chị Đặng Quỳnh Phương, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ khi đến đây, điều đầu tiên chị cảm nhận được là không khí trong lành, thoáng đãng. Mọi người cùng vui chơi, đốt lửa trại, múa xòe vui vẻ và đều mong sẽ nhiều lần trở lại nơi này.

[Sơn La khát vọng trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc]

Khi đến Vân Hồ, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như vẽ sáp ong trên vải, giã bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống; thưởng thức những điệu múa chuông đặc sắc của đồng bào người Dao.

Anh Đinh Quốc Hưng, Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng The Nordic Village, cho biết qua nhiều chuyến khảo sát với mong muốn tìm kiếm địa điểm phù hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đơn vị đã quyết định chọn bản Hua Tạt (xã Vân Hồ) để xây dựng cơ sở lưu trú.

Sơn La: Đánh thức tiềm năng du lịch hấp dẫn ở huyện Vân Hồ ảnh 2Một điểm du lịch tại huyện Vân Hồ được xây dựng gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Nơi đây có nhiều yếu tố văn hóa còn lưu giữ được tại bản làng của người Mông, lại gần Quốc lộ 6, thuận tiện cho du khách (di chuyển từ Hà Nội lên chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ). 

Thời gian qua, huyện Vân Hồ luôn chú trọng bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch như tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc nhân dịp Tết Độc lập 2/9; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng gắn với các bản du lịch cộng đồng; duy trì tổ chức lễ hội Hoa Ban, Ngày hội hoa Đào.

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Hồ, nêu rõ với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, huyện đã chú trọng phát triển đa dạng các hình thức như du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn liền với sản xuất nông nghiệp, du lịch khám phá-mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng Vân Hồ là huyện mới thành lập, đa phần là những xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc diện khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn còn gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, địa phương chưa thu hút được các công ty lữ hành khai thác, hình thành các tour, tuyến du lịch.

Sơn La: Đánh thức tiềm năng du lịch hấp dẫn ở huyện Vân Hồ ảnh 3Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động ném pao cùng đồng bào dân tộc Mông tại huyện Vân Hồ. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ, hiện nay hoạt động du lịch đối với người dân ở đây còn khá mới lạ nên cách quản lý, hướng dẫn du khách chưa chuyên nghiệp.

Đa số homestay chỉ dừng lại ở các dịch vụ như lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ; chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Vì vậy, địa phương rất cần những nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm làm du lịch để giúp người dân thay đổi nhận thức nhằm khai thác, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn.

Để phát huy lợi thế, huyện Vân Hồ đã xây dựng Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp; sản phẩm du lịch có chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng du lịch bình quân 10%/năm, đến năm 2025 lượng khách đến Vân Hồ đạt trên 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 20.000 lượt. Doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch đạt trên 250 tỷ đồng/năm.

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Hồ, cho biết huyện đang tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên; phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường để nâng cao đời sống nhân dân; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

Địa phương đang triển khai nhiều giải pháp như đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

Đồng thời, ưu tiên, bố trí nguồn ngân sách địa phương kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách xã hội hóa; tập trung lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch, nâng cao hình ảnh du lịch Vân Hồ trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành lớn trong nước và quốc tế khảo sát thực tế tại địa phương; tranh thủ mời gọi đầu tư, có các chính sách về ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục