Sơn La chú trọng công tác chuẩn bị bầu cử ở vùng cao, biên giới

Do địa hình rộng, nhiều thành phần dân tộc, dân cư sinh sống rải rác nên việc chuẩn bị các điều kiện cho Ngày Bầu cử đã được Ủy ban Bầu cử huyện Sơn La triển khai từ sớm.
Sơn La chú trọng công tác chuẩn bị bầu cử ở vùng cao, biên giới ảnh 1Cử tri tại huyện Sông Mã kiểm tra thông tin cá nhân được niêm yết tại điểm bầu cử. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Sơn La đã tập trung nguồn lực để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho Ngày Bầu cử; trong đó, chú trọng đến các địa phương vùng cao, biên giới.

Sông Mã là một trong những huyện vùng cao, biên giới của Sơn La. Do địa hình rộng, nhiều thành phần dân tộc, dân cư sinh sống rải rác nên việc chuẩn bị các điều kiện cho Ngày Bầu cử đã được Ủy ban Bầu cử huyện triển khai từ sớm.

Trong đợt bầu cử lần này, toàn huyện Sông Mã có 167 tổ bầu cử. Đến nay, Ủy ban Bầu cử các xã, thị trấn đã hoàn thành việc trang trí, khánh tiết tại khu vực bỏ phiếu; chuẩn bị 167 hòm phiếu chính và 167 hòm phiếu phụ để hơn 92.900 cử tri toàn huyện tham gia bỏ phiếu đúng thời gian quy định.

Ông Nguyễn Văn Tam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Sông Mã, cho biết trong thời gian tới, các tổ dân phố tiếp tục theo dõi những biến động của cử tri, nắm chắc những người có trong danh sách và người không có mặt tại địa phương để kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thị trấn đã yêu cầu Ban An ninh xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau bầu cử.

[Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử: Đã chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Bầu cử]

Trong quá trình chuẩn bị cho Ngày hội toàn dân, công tác tuyên truyền được huyện Sông Mã đặc biệt chú trọng. Theo đó, Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện đã phối hợp tăng cường thời lượng phát thanh, phát sóng các bản tin, chuyên mục, phóng sự về công tác bầu cử và tổ chức tuyên truyền lưu động. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện đã đưa nội dung tuyên truyền về bầu cử vào 10 lớp bồi dưỡng, đào tạo chính trị.

Ngoài ra, Sông Mã đã tổ chức tuyên truyền cho 100% bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, công tác chính quyền của huyện.

Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Sông Mã cho biết, ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, ngoài hình thức tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, cụm pano, các địa phương đã tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh bằng 3 thứ tiếng gồm: Tiếng Việt, Thái và Mông.

Đây là một trong những nét mới và mang lại hiệu quả ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đảng viên trong mỗi chi bộ trở thành những tuyên truyền viên tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại các hội nghị, cuộc họp về bầu cử.

Là huyện biên giới với gần 90% người dân tộc thiểu số, công tác nhân sự đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Mã chuẩn bị chu đáo, thận trọng, đảm bảo thành phần, cơ cấu, đúng luật định. Qua hội nghị hiệp thương lần thứ 3, đã lựa chọn được 61 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện và 795 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã.

Sơn La chú trọng công tác chuẩn bị bầu cử ở vùng cao, biên giới ảnh 2Băng rôn tuyên truyền về ngày hội bầu cử được trang hoàng trên các tuyến đường chính của huyện Sông Mã. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Sông Mã, cho biết công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp được thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình, công tâm, khách quan. Đến thời điểm này, Huyện ủy Sông Mã chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các nhân sự ứng cử.

Từ nay đến ngày bầu cử, Ủy ban Bầu cử huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung đảm bảo công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng Biên phòng, dân quân tự vệ tăng cường tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới. Cùng với đó, Sông Mã tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, huyện đã bố trí hai cơ sở cách ly để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng kịch bản, phương án để điều hành nếu có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh đã thành lập 3.295 tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; tiếp nhận trên 9.700 hồ sơ của người được tổ chức giới thiệu ứng cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, có hơn 8.500 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Đến nay, việc lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; việc niêm yết danh sách chính thức, tiểu sử tóm tắt những người ứng cử được hoàn thành theo quy định. Công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, công tác kiểm tra giám sát được chuẩn bị chu đáo để đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử.

Ngoài ra, Sơn La đã thành lập 12 đoàn giám sát công tác chuẩn bị và tiến hành bầu cử đối với 12/12 Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; công tác bảo đảm an ninh, chính trị, an toàn xã hội, đặc biệt là xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục