Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, từ ngày 1/10, Somalia đã áp dụng Luật mới về bảo vệ môi trường, trong đó cấm túi nhựa dùng một lần trong nỗ lực ứng phó với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Luật mới, được công bố lần đầu tiên vào tháng 2, cấm nhập khẩu, sản xuất lẫn tiêu thụ túi nhựa dùng một lần và được các nhà vận động vì môi trường cũng như người dân thủ đô Mogadishu hoan nghênh lệnh.
Với luật này, Somalia gia nhập nhóm các quốc gia châu Phi đã cấm túi nhựa dùng một lần, trong đó có nước láng giềng Kenya và Tanzania.
Kenya đã ban hành một trong những lệnh cấm túi nhựa nghiêm ngặt nhất thế giới vào năm 2017, quy định phạt tiền hoặc thậm chí là án tù đối với hành vi sử dụng túi nhựa.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính lượng rác thải nhựa tương đương với 2.000 xe chở rác được đổ xuống biển, sông và hồ mỗi ngày. Theo đó, mỗi năm có 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào hệ sinh thái nước của thế giới.
Lệnh cấm của Somalia có hiệu lực trong bối cảnh các nhà đàm phán kết thúc cuộc họp tại Nairobi vào ngày 30/9 với hy vọng đạt được hiệp ước đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm nhựa.
Hiệp ước này nhằm mục đích tập hợp phản ứng quốc tế đối với rác thải nhựa đang đe dọa môi trường, từ đại dương và sông ngòi, cho đến núi và băng biển, sau đó di chuyển lên các mạng lưới thức ăn của các loài động vật.
Các quốc gia đang chịu áp lực phải tìm ra tiếng nói chung trước khi các cuộc đàm phán cuối cùng được tổ chức vào tháng 12 tới tại Hàn Quốc./.
Khoảng 1/5 rác thải nhựa "không được quản lý" và thải trực tiếp ra môi trường
Các chuyên gia ước tính có 251 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm trên toàn cầu; trong đó có 52,1 triệu tấn (khoảng 1/5) "không được quản lý" và thải trực tiếp ra môi trường.