Sớm trình dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra dự án Vành đai 3 và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở ra không gian phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các địa phương.
Sớm trình dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2022 ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với các địa phương về dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngày 29/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã làm việc với các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra dự án Vành đai 3 và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở ra không gian phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các địa phương.

Đối với dự án Vành đai 3, Phó Thủ tướng chấp thuận giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì chuẩn bị đầu tư và trình dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét lại tổng mức đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng Vành đai 3 cho sát thực tế và hiệu quả nhất. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh cần xem xét tính toán kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng hoặc trong tổng chiều dài tuyến, đoạn nào sử dụng hình thức đầu tư PPP, đoạn nào phải dùng 100% ngân sách. 

Khi dự án tổng thể được phê duyệt, đoạn tuyến trên địa phương nào, địa phương đó triển khai. Từ đó, phấn đấu trình dự án lên Chính phủ vào đầu năm 2022.

Với dự án Vành đai 4, Phó Thủ tướng thống nhất giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương có dự án đi qua, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và một phần ngân sách. Các địa phương chủ động thực hiện trên đoạn tuyến của mình, chủ động kêu gọi đầu tư.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết dự án Vành đai 3, Vành đai 4 có vai trò huyết mạch đối với các địa phương trong vùng.

[Lựa chọn đơn vị thực hiện Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh]

Đây cũng là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, do đó hiệu quả đầu tư của dự án rất cao, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các địa phương.

Lãnh đạo các địa phương thống nhất đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư toàn bộ dự án. Nếu ngân sách Trung ương khó khăn thì các địa phương sẽ cùng chia sẻ theo tỷ lệ phù hợp.

Theo quy hoạch, dự án Vành đai 3 dài 89,3km; trong đó, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh là 47,62km; Bình Dương là 25,93km; Đồng Nai là 11,3km; Long An 6,8km. Hiện tuyến đường đã đầu tư được 15,3km trên địa bàn Bình Dương.

Ngoài ra, dự án cũng đang đầu tư 8,75km (dự án thành phần 1A nối huyện Nhơn Trạch- Đồng Nai và thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. 

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn đi qua tỉnh dài 6,3km; hiện đã chuẩn bị sẵn nguồn và áp giá để giải phóng mặt bằng, quý 1 năm 2022 sẽ khởi công.

Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 200km; tiêu chuẩn đường cao tốc từ 6-8 làn xe.

Theo nghiên cứu, giai đoạn 1 dự kiến đầu tư xây dựng mới khoảng 143,5km với quy mô 4 làn xe cao tốc; tổng mức đầu tư là 83.409 tỷ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng là 42.985 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 5 đoạn theo địa giới các tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục