Lễ khai giảng năm học mới đã trôi qua 3 ngày, nhưng đến sáng 8/9, mới chỉ có 82/154 học sinh khối 6, 7 và 8 đến điểm Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng cơ sở 2 (xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đi học.
Tình trạng trên diễn ra là do hàng trăm phụ huynh không cho con em mình đến trường, yêu cầu lãnh đạo địa phương, nhà trường giải quyết những vướng mắc khi sáp nhập Trường Trung học Cơ sở Khai Sơn và Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn thành Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng.
Đối thoại với phụ huynh
Sáng 8/9, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Lạng Sơn, lãnh đạo huyện Anh Sơn, các phòng ban chuyên môn đã buổi đối thoại với các phụ huynh học sinh không đồng tình với chủ trương sáp nhập trường, để tìm tiếng nói chung, sớm đưa các học sinh trở lại trường.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến phụ huynh bày tỏ băn khoăn trước đề án sáp nhập hai trường trên, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh.
Ông Nguyễn Tiến Hải, trú tại thôn 7/9, xã Lạng Sơn, đại diện Hội cha mẹ học sinh cho biết qua nắm bắt từ phụ huynh được biết họ có phản ứng do năm học 2022-2023 sẽ chuyển toàn bộ học sinh khối 6, 7 và 8 ở xã Lạng Sơn về Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng cơ sở 1 (đóng ở xã Khai Sơn).
"Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn có truyền thống lâu đời, được xây dựng hai tầng 10 phòng học, có đủ cơ sở vật chất dạy học. Việc đưa học sinh xã Lạng Sơn sang xã Khai Sơn học có nhiều bất cập như các em còn nhỏ, đường sá hư hỏng và xa, dễ gặp tai nạn. Bố mẹ đưa đón con hằng ngày sẽ mất thời gian," ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, nguyện vọng của các phụ huynh là để học sinh xã nhà học ở trường cũ, vừa thuận lợi đường sá hoặc có thể sáp nhập trường tiểu học và trung học cơ sở thành trường liên cấp 1-2.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường Trung học Cơ sở Khai Lạng. Hầu hết họ mong con được học tại trường trong xã, khỏi đi xa vất vả. Hơn nữa, cơ sở vật chất ở đây rất tốt, có nhà 2 tầng kiên cố.
Trước khi chính thức bước vào năm học 2022-2023, nhiều người dân xã Lạng Sơn đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn, xem xét lại việc sáp nhập trường do có nhiều điều chưa hợp lý.
Cụ thể, cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh trung học cơ sở của hai xã. Việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả, xóm xa nhất cách trường 7-8km.
Nhiều người dân cho rằng Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học. Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một truyền thống của địa phương và Lạng Sơn sẽ bị mất trường trung học cơ sở.
[Lo ngại thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới lớp 10]
Trả lời các ý kiến của phụ huynh, bà Bùi Thị Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Anh Sơn, cho biết việc sáp nhập Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn và trường Trung học Cơ sở Khai Sơn được thực hiện từ năm học 2018-2019, thành Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn). Điểm trường mới cách Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn cũ hơn 4km.
Hiện đề án đã được phê duyệt, triển khai nhưng sau 4 năm học, chỉ có khối 9 chuyển về trường chính Trung học Cơ sở Khai Lạng. Các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn vẫn học ở cơ sở 2.
"Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới. Nhưng khi nhận được thông tin, một số người dân vẫn chưa đồng thuận, Huyện ủy Anh Sơn đã ra thông báo về quyết định chưa sáp nhập các khối lớp còn lại điểm trường Lạng Sơn về điểm trường Khai Sơn như kế hoạch," bà Bùi Thị Phượng nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Anh Sơn khẳng định sau buổi đối thoại này, huyện Anh Sơn sẽ tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh để báo cáo Thường trực Huyện ủy Anh Sơn xem xét về đề án sáp nhập trường, với mục đích cao nhất là đảm bảo quyền lợi được đến trường học tập của học sinh.
Sớm có giải pháp dứt điểm để học sinh đến trường
Đề án sáp nhập Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn và Trường Trung học Cơ sở Khai Sơn thành Trung học Cơ sở Khai Lạng được thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô trường lớp nhỏ.
Trong quá trình sáp nhập, hai cơ sở học tập vẫn được duy trì nhằm ưu tiên quyền lợi cho học trò dù giáo viên vất vả hơn.
"Dù hoạt động song song hai cơ sở, nhưng không có sự phân biệt trong giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện. Giáo viên nhà trường có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù việc dạy học hai điểm trường rất vất vả. Chuẩn bị cho năm học 2022-2023, nhà trường có tuyên truyền vận động nhân dân, làm công tác phổ cập, vận động đến từng học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, sau khai giảng, nhiều phụ huynh đã không con em tới trường," ông Lê Đình Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng, cho hay.
Ông Lê Đình Hà cho rằng việc không có học sinh đến trường là vi phạm quyền lợi được đi học của các em, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường. Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng mong muốn các cấp chính quyền có phương án giải quyết, xử lý dứt điểm. Trong thời gian sớm nhất để học sinh trở lại đi học, đảm bảo quyền lợi cho các em.
Ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn, cho biết dù đã bước vào năm học mới ba ngày, nhiều học sinh ở xã Lạng Sơn vẫn chưa tới trường học tập.
"Chúng tôi mong muốn phụ huynh sớm cho con em tới trường. Những khó khăn, vướng mắc về sáp nhập trường lớp sẽ được xem xét, điều chỉnh nhằm mục đích cao nhất vì quyền lợi các em," ông Thanh chia sẻ.
Trong sáng 8/9, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Anh Sơn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc sáp nhập trường tại xã Lạng Sơn và Khai Sơn.
Liên quan đến quá trình thực hiện sáp nhập, trước mắt, huyện Anh Sơn sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, dân vận. Đối với khối 9, do ở Trường Trung học Cơ sở Lạng Sơn không chuẩn bị cơ sở vật chất dạy học, quan điểm của huyện là đưa các em về cơ sở chính là Trung học Cơ sở Khai Lạng để học tập.
Lãnh đạo huyện Anh Sơn đề nghị nhà trường chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh và bù kiến thức khi các em đi học trở lại. Những cá nhân ngăn cản học sinh đi học là sai trái và gây thiệt thòi cho chính học sinh, con em mình. Lãnh đạo huyện chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc để làm rõ, xử lý những hành vi gây rối, kích động người dân, đặc biệt là hành vi ngăn cản học sinh tới trường./.