Ngày 22/8, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã khảo sát, kiểm tra tình hình sử dụng linh vật, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích trên địa bàn Hà Nội.
Qua ghi nhận tại 4 di tích gồm đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), chùa Gia Quất (quận Long Biên) và đình Mộ Lao, chùa Mộ Lao (quận Hà Đông) cho thấy việc đặt các linh vật, vật phẩm không phù hợp diễn ra ở hầu hết các di tích.
Tuy nhiên, sau khi được đoàn kiểm tra vận động, khuyến cáo, yêu cầu, các địa phương cũng như người quản lý di tích đều đồng thuận và sẽ sớm tháo dỡ linh vật, vật phẩm lạ khỏi di tích.
Ngoại trừ di tích đền Ngọc Sơn thực hiện nghiêm túc quy định nơi thờ tự, từ cách bài trí đồ thờ tự tới việc giữ gìn cảnh quan chung, tại 3 di tích còn lại là Di tích quốc gia chùa Mộ Lao, Di tích quốc gia đình Mộ Lao, Chùa Gia Quất cách trưng bày và sắp đặt không phù hợp, các linh vật và hiện vật cũng không phù hợp với văn hóa Việt Nam, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích...
Theo người trụ trì cũng như người quản lý các di tích, tất cả linh vật, hiện vật đều do người dân phát tâm công đức cho đình, chùa. Cả người quản lý di tích cũng như người dân đều không ý thức được việc tiếp nhận, trưng bày linh vật sư tử đá cũng như các hiện vật khác là không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Cũng từ thực trạng đó, đoàn kiểm tra cho rằng vai trò quản lý, giám sát của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, tu bổ di tích còn thiếu chặt chẽ, chưa phát hiện kịp thời các thiếu sót xảy ra.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn số 2662 gửi các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành trong cả nước về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các di tích, công sở.
Để triển khai hiệu quả chủ trương này, bộ đưa ra lộ trình từ nay đến tháng 11 âm lịch, các địa phương chủ động rà soát, vận động, yêu cầu dỡ bỏ linh vật, hiện vật không phù hợp. Từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng 12 âm lịch, bộ sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt vấn đề này. Trước hết, chủ trương này thực hiện ở các di tích, sau đó triển khai ở khu vực công sở, cơ quan, đơn vị.
Ngay trong buổi khảo sát đầu tiên tại Hà Nội, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ghi nhận, điều phấn khởi nhất là đến đâu cũng nhận được sự đồng tình cao.
Tại buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra với chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và trụ trì chùa cho thấy những người làm công tác văn hóa ở cơ sở, những người quản lý di tích đã ý thức được việc đặt sư tử đá cũng như các hiện vật khác (đèn đá, cầu đá, Phật bà quan âm bạch y…) không phù hợp với văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm linh tại các di tích.
Theo đoàn kiểm tra, những linh vật, hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng di tích cần di chuyển ra khỏi di tích.
Ý thức được hệ lụy của việc đưa linh vật, hiện vật lạ vào di tích nhưng ông Bạch Ngọc Thụy, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích đình, chùa Mộ Lao cho rằng, việc di chuyển cần có thời gian nhất định. Theo ông Thụy, những linh vật, hiện vật này đã tồn tại ở di tích từ nhiều năm qua, do vậy khi di chuyển Tổ quản lý di tích phải họp, triển khai tới dân để người dân nhận thức đúng đắn, ủng hộ chủ trương trên. Mong ngành văn hóa có những hướng dẫn cụ thể trong việc di chuyển linh vật, hiện vật để những người quản lý di tích thực hiện tốt hơn.
Ở góc độ cơ quan quản lý văn hóa trên địa bàn thành phố, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định với những sai sót tồn tại ở 3 di tích đã kiểm tra, Sở yêu cầu địa phương giải quyết dứt điểm trước ngày 15/9.
Những ngày qua, Sở đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn thành phố thống kê việc sử dụng các linh vật, hiện vật không phù hợp tại di tích. Sở cũng mở đợt kiểm tra, tập trung vào việc đặt sư tử đá, đèn đá, đèn lồng không phù hợp với văn hóa Việt tại di tích. Những nơi có vi phạm sẽ yêu cầu dỡ bỏ đồng thời khuyến cáo sử dụng linh vật, hiện vật phù hợp./.