Sớm sản xuất hàng loạt bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2

Dự kiến chiều 4/3, Bộ Y tế hoàn thiện các thủ tục để tiến hành sản xuất hàng loạt bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Sớm sản xuất hàng loạt bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 4/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Phát hiện sớm và cách ly triệt để

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhận định đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình; thực hiện kịp thời, chủ động công tác phòng, chống dịch.

Từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được dỡ bỏ phong tỏa từ 0 giờ sáng 4/3 sau 21 ngày cách ly.

Phát biểu tại cuộc họp, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, chuyên gia Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biếtcần tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả bài học kinh nghiệm về phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch COVID-19 thời gian vừa qua.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, chuyên gia Trần Đắc Phu đề xuất làm rõ định nghĩa “vùng dịch” để từ đó có các biện pháp tập trung khoanh vùng; đồng thời đưa ra quan điểm tiến tới thực hiện cách ly tại nhà nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết mặc dù chưa phát hiện ca nhiễm mới nhưng lực lượng y tế cần tập trung tổ chức các biện pháp phòng ngừa, trong đó chú trọng công tác phát hiện sớm, khoanh vùng và chuẩn bị các phương án dự phòng cách ly.

Dự kiến ngày 5/3, Trung tâm Điều hành chỉ huy hỗ trợ điều trị dịch COVID-19 ra đời để kết nối, hỗ trợ các đội phản ứng nhanh với tinh thần "đem chất xám xuống các tuyến huyện;" phân tuyến điều trị hợp lý, tránh tình trạng lây lan khi vận chuyển bệnh nhân.

Ban hành "bộ check-list" cho học sinh

Liên quan đến tình hình học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết sau khi thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, công văn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 60/63 tỉnh, thành phố quyết định thời gian chính thức học sinh Trung học phổ thông đi học trở lại từ ngày 2/3 và dự kiến vào ngày 17/3 đối với học sinh các bậc: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Đến nay, qua theo dõi và báo cáo của ngành giáo dục, số học sinh quay trở lại trường học đạt 97% trong ngày 2/3 và 98% trong ngày 3/3.

Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo, dự kiến chiều 4/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành “bộ check-list," thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe tại nhà và trường học cho các em học sinh khi đi học trở lại.

"Bộ check-list" nhằm cụ thể hóa văn bản Hướng dẫn số 550/BGDĐT-GDTC về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học.

Đối với thông báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La về việc học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 17/3 sau khi phát hiện lưu học sinh Lào có biểu hiện sốt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện cách ly các lưu học sinh Lào tại ký túc xá nhà trường.

[COVID-19: Nhật Bản tăng cường hỗ trợ cho thực tập sinh Việt Nam]

“Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Các em đến trường phải an toàn, nếu môi trường chưa thực sự an toàn có thể cân nhắc dựa trên cơ sở đảm bảo khung thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra trước đó," Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Sớm sản xuất bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2

Liên quan đến tình hình sản xuất kit thử, các thành viên Ban Chỉ đạo thông tin theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 loại test do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được khuyến nghị có thể sử dụng để chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Ngày 3/3, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ test trong những ngày sắp tới. Dự kiến chiều 4/3, Bộ Y tế hoàn thiện các thủ tục để tiến hành sản xuất hàng loạt, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Thông tin về các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết từ 18 giờ ngày 3/3, các chuyến bay chỉ được hạ cánh tại Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phù Cát (Bình Định).

Trong giai đoạn tới, các hãng hàng không tiếp tục thực hiện cắt giảm các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc (Vietnam Airlines thực hiện từ ngày 5/3 và Vietjet Air từ ngày 7/3).

Phía Hàn Quốc, chỉ còn hãng Asiana Airlines và Korean Air khai thác các đường bay từ Incheon (Seoul) đi hoặc đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Các chặng bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam đều là chuyến bay chuyển sân “ferry” (chuyến bay rỗng, sang đón khách ở Việt Nam về nước hoặc các chuyến bay chở hàng) hoặc không chở khách.

Nhằm kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, khách sạn tại các tỉnh có cảng hàng không quốc tế và các tỉnh lân cận, bố trí cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch theo hình thức có trả phí.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch lập và gửi danh sách nơi lưu trú, dịch vụ, giá dịch vụ cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thông báo với hành khách nhập cảnh có nhu cầu đăng ký; đồng thời phối hợp các bộ, ngành và chính quyền địa phương để thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, trên cơ sở phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế tập trung thảo luận về công tác hậu cần, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác sàng lọc, phân loại, cách ly, tầm soát và điều trị dịch bệnh; các giải pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn lây chéo trong các cơ sở điều trị…

Sớm sản xuất hàng loạt bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 ảnh 2Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 4/3, thế giới ghi nhận 93.080 trường hợp mắc COVID-19 tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc đại lục có 80.269 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố.

Tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận 12.811 trường hợp mắc gồm: Nhật Bản 999 trường hợp (tàu Diamon Princess 706); Hàn Quốc 5.328 trường hợp; Italy 2.502 trường hợp; Iran 2.336 trường hợp; Pháp 212 trường hợp; Đức 203 trường hợp; Tây Ban Nha 151 trường hợp; Mỹ 112 trường hợp; Singapore 110 trường hợp; Hong Kong (Trung Quốc) 101 trường hợp; Kuwait 56 trường hợp; Anh 51 trường hợp; Bahrain 49 trường hợp; Thái Lan 43 trường hợp; Đài Loan (Trung Quốc) 41 trường hợp; Thụy Sĩ 37 trường hợp; Na Uy 33 trường hợp; Canada 33 trường hợp; Australia 34 trường hợp; Iraq 31 trường hợp; Malaysia 36 trường hợp; Thụy Điển 30 trường hợp; Áo 24 trường hợp; Hà Lan 23 trường hợp; Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất 21 trường hợp; Việt Nam 16 trường hợp; Lebanon 13 trường hợp; Isarel 12 trường hợp; Oman 12 trường hợp; Macau (Trung Quốc) 10 trường hợp; Đan Mạch 10 trường hợp; Iceland 9 trường hợp; Bỉ 13 trường hợp; Croatia 8 trường hợp; San Marino 8 trường hợp.

Các nước Hy Lạp, Quatar, Phần Lan, Ecuador cùng có 7 trường hợp mắc dịch. Ấn Độ, Algeria, Mexico, Pakistan, Séc có 5 trường hợp và Romania 4 trường hợp.

Các nước có 3 trường hợp mắc gồm: Philippines, Nga, Azerbaijan, Georgia.

Các nước có 2 trường hợp mắc gồm: New Zealand, Ai Cập, Brazil, Indonesia, Bồ Đào Nha.

Các nước có 1 trường hợp mắc là Nepal, Campuchia, Belarus, Sri Lanka, Afghanistan, Macedonia, Nigeria, Lithuania, Monaco, Luxembourg, Ireland, Dominican, Armenia, Andorra, Jordan, Tunisia, Saudi Arabia, Senegal, Latvia, Morocco, Ukraine, Liechtenstein, Argentina, Chile, Estonia.

Thế giới ghi nhận 3.202 ca tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục 2.981 ca; Italy 79 ca; Iran 77 ca; Hàn Quốc 32 ca; Nhật Bản 12 ca (trong đó tàu Diamon Princess 6 ca); Mỹ 9 ca; Pháp 4 ca; Hong Kong (Trung Quốc) 2 ca; Philippines 1 ca; Đài Loan (Trung Quốc) 1 ca; Thái Lan 1 ca; Australia 1 ca; San Marino 1 ca; Tây Ban Nha 1 ca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục