Hiện nay, trên sông Hồng, khu vực giáp ranh giữa hai xã Tân Hợp và Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái), một số tàu khai thác khoáng sản trái phép đang hoạt động rầm rộ ngày đêm, bất chấp phản ứng từ người dân và chính quyền địa phương.
Nhận được thông tin phản ánh từ người dân và chính quyền xã Tân Hợp, trưa 25/9, phóng viên TTXVN có mặt tại địa bàn thôn 5, xã Tân Hợp, trực tiếp chứng kiến hoạt động ngang nhiên khai thác khoáng sản của các con tàu này.
Theo quan sát của phóng viên, mặc dù vào thời điểm giữa trưa nhưng có tới 3 chiếc tàu cuốc lớn và 3 tàu vận chuyển ở trên đoạn sông dài chưa tới 1km; trong đó, có 2 tàu cuốc đang nổ máy để hút khoáng sản dưới dòng sông.
Dọc hai bên bờ sông là nhiều vệt dài đất đá bị sạt lở. Bờ sông thuộc địa phận xã Mậu Đông có nơi sạt lở sâu 20-30m, còn bờ bên xã Tân Hợp sạt lở sâu 15m.
Những bãi đất, sỏi nhô cao giữa dòng sông Hồng đang mùa nước lớn làm thay đổi dòng chảy khiến nước chảy xiết dồn vào hai bờ.
Chỉ xuống dòng nước đang chảy sát bờ sông, anh Trần Văn Thạch - một người dân địa phương cho biết, khi trước ở đây là các bụi tre lớn và các ruộng hoa màu của người dân. Các tàu khai thác khoáng sản hoạt động đã gây sạt lở, khiến nước cuốn trôi đi hết.
Anh Thạch bức xúc tại đây, thường xuyên có 3 đến 4 tàu cuốc hoạt động, múc sỏi ở giữa sông làm cho mực nước sông chảy xiết vào ven bờ thôn 5, gây sạt lở hết đất.
Nhiều hộ dân có những thửa đất ở ven sông để trồng hoa màu kiếm sống nhưng cứ được một thời gian là bị lở đất cuốn trôi hết cả.
Ngoài ra, tiếng ồn quá lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là việc học hành của các cháu vào buổi tối.
Sống hai bên bờ sông, người dân xã Tân Hợp và Mậu Đông thấp thỏm không yên vì tài sản, hoa màu của họ cứ dần trôi theo dòng nước.
Việc các tàu này hoạt động thường xuyên, liên tục đã phá vỡ quy luật tự nhiên của dòng chảy, khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng, cuộc sống của các hộ dân sống ở khu vực ven sông Hồng thuộc địa phận hai xã Tân Hợp và Mậu Đông điêu đứng vì tiếng ồn và sạt lở.
Theo người dân xã Tân Hợp, những con tàu khai thác khoáng sản hoạt động bất kể ngày hay đêm.
Anh Trần Bá Cường, nhà ở thôn 5, xã Tân Hợp cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, có 3 đến 4 tàu hoạt động liên tục, không chỉ gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn bắt đầu làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng, gây sạt lở và cuốn trôi mất đất sản xuất.
[Xác minh tố cáo về khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Thái Nguyên]
Mặc dù rất bức xúc nhưng người dân địa phương cho biết, họ không biết các chủ tàu là ai, chỉ biết trên các tàu khai thác cát có các công nhân.
Làm việc với chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hợp Triệu Đình Khôi cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, chính quyền xã đã thành lập đoàn kiểm tra và mời các chủ tàu đến Ủy ban nhân dân xã làm việc.
Tuy nhiên, chỉ có 1 chủ tàu lên giải trình trước đây có giấy phép được cấp từ năm 2009, còn các chủ tàu khác không hợp tác làm việc.
Mặc dù đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp giấy tờ mới, nhưng chủ tàu không trình giấy phép và cũng không giải thích.
Theo đó, chính quyền xã đã lập biên bản yêu cầu các chủ tàu có tàu khai thác rời khỏi địa bàn nhưng các tàu này đối phó bằng cách thấy đoàn kiểm tra thì dừng hoạt động và di chuyển đi chỗ khác, khi đoàn kiểm tra về lại quay lại lén lút khai thác trộm.
Chính vì vậy, mặc dù xã Tân Hợp đã phối hợp với xã Mậu Đồng để xử lý vấn nạn này nhưng rất khó khăn di dời các tàu.
Ông Triệu Đình Khôi cho biết thêm, hiện chỉ có duy nhất Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khánh Duy YB được Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 888/GP-UBND ngày 5/6/2018, tại điểm cát, sỏi sông Hồng, xã Tân Hợp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty chưa lên làm việc với xã về công tác thăm dò tại đây, các tàu khác hoạt động ở đây không biết do ai làm chủ. Lực lượng chức năng đã ra kiểm tra tàu nhưng cũng chỉ gặp được những người làm thuê chứ không gặp được chủ tàu.
Chính quyền địa phương khi làm việc cũng chỉ lập được biên bản, đình chỉ hoạt động nên rất khó khăn cho công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn xã.
Xã Tân Hợp đã báo cáo thường xuyên lên huyện Văn Yên và đề nghị huyện có biện pháp cho cưỡng chế, tạm giữ tàu nhưng kinh phí để di dời và trông giữ các tàu này rất lớn và không biết trên tàu có những tài sản gì.
Chính quyền địa phương và người dân xã Tân Hợp mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sớm làm rõ việc khai thác khoáng sản trái phép, trả lại sự bình yên vốn có của vùng quê yên bình này.
Đặc biệt là, cứu đất sản xuất trước tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp./.