Sớm hoàn thiện các quy định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ không chỉ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn giúp thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
(Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 31/5, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa đã kêu gọi các chính phủ cần phải hoàn tất những quy định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow (Scotland), vào tháng 11 tới.

Mục đích là để thỏa thuận này có thể được thực thi đầy đủ và là cơ sở cho quá trình "phục hồi xanh" sau đại dịch COVID-19. 

Trong bối cảnh Liên hợp quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán về khí hậu từ ngày 31/5 theo hình thức trực tuyến, bà Espinosa cũng kêu gọi các quốc gia giàu có thực hiện những cam kết tài chính về khí hậu đã đưa ra từ lâu để hỗ trợ các nước nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn nhằm đảm bảo sự tin cậy của các tiến trình do Liên hợp quốc dẫn đầu.

[Liên hợp quốc nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu]

Phát biểu với báo giới, bà Espinosa cho biết gần đây bà đã hối thúc các bộ trưởng thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Đức, Pháp, Anh, Canada, Mỹ, Italy và Nhật Bản) giải ngân 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước đã cam kết hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiến tới sử dụng năng lượng sạch và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Dự kiến, các cam kết tài chính mới sẽ không được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra và kéo dài đến ngày 17/6 tới, nhưng có thể được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 theo hình thức trực tiếp tại Anh từ ngày 11-13/6 tới.

Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng cho rằng đã đến lúc kết thúc các cuộc đàm phán còn dang dở và thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi cho biết nhiều quốc gia chưa đệ trình kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu theo quy định của hiệp định này mà đáng ra phải thực hiện vào năm ngoái.

Theo bà Espinosa, việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ không chỉ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn giúp thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời hướng tới xây dựng một tương lai sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn.

Trong khi đó, ông Sonam P. Wangdi, công dân Bhutan, đứng đầu một nhóm đại diện gồm 46 quốc gia và vùng lãnh thổ kém phát triển nhất, cho rằng những cam kết tài chính về khí hậu là "yếu tố then chốt" để thực hiện những mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Bà Diann Black-Layne đến từ Antigua và Barbuda, đại diện cho Liên minh Các quốc đảo nhỏ (AOSIS), cho biết 44 thành viên của tổ chức này cần được tiếp cận nhiều hơn nữa với những nguồn tài chính phục vụ các chương trình khí hậu khi họ đang phải nỗ lực phục hồi sau sự tàn phá của các cơn bão và tiếp cận công nghệ xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục