Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trả lời chất vấn về thực trạng và các giải pháp phát triển thị trường thông tin, việc tăng giá cước viễn thông, an toàn, an ninh thông tin...
Phiên trả lời chất vấn này được phát thanh, truyền hình phát sóng trực tiếp và được đông đảo cử tri trong cả nước quan tâm theo dõi. Phóng viên TTXVN ghi lại ý kiến cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Gia Lai về vấn đề này.
Sớm hoàn thiện các chính sách an toàn thông tin
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi Hội An toàn thông tin khu vực phía Nam cho rằng thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều dự án đảm bảo an toàn thông tin, trong đó có dự án Đào tạo CMMI và ISO 27001 nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực am hiểu và có khả năng triển khai hệ thống bảo đảm an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút hơn 1.000 lượt người học từ trên 100 doanh nghiệp.
Nhà nước cũng đã có nhiều sự hỗ trợ trực tiếp và thiết thực đối với doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Vi Đồng, Việt Nam hiện nay đang gia tăng số lượng các vụ tấn công mạng cũng như tổng mức thiệt hại. Số lượng vụ việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện các hành vi phạm tội tại Việt Nam cũng gia tăng. Có đến 2.405 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị hacker xâm nhập. Mới đây nhất là khảo sát của Bkav năm 2013 cho thấy người dùng Việt Nam đã thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng vì virus máy tính.
Vì vậy, đối với vấn đề an toàn thông tin, bảo mật an ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm hoàn thiện các chính sách an toàn thông tin, luật an toàn thông tin và các quy định hướng dẫn cụ thể triển khai công tác An toàn Thông tin trong các cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghệ hiện nay, cần sớm xây dựng đội ứng cứu, tác chiến điện tử nhằm có được một trung tâm điều hành thống nhất, lực lượng kỹ thuật tinh nhuệ có khả năng ứng cứu các sự cố máy tính ở mọi quy mô.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có các hỗ trợ nghiên cứu để tạo ra sản phẩm an toàn thông tin của Việt Nam, từ đó nâng cao, đa dạng hơn nữa khả năng bảo mật thông tin.
Còn cử tri Hà Quân, Phó Chủ Hội Cựu chiến binh thành phố Pleiku (Gia Lai) kiến nghị: thời gian qua, tình trạng nhiều trang thông tin cá nhân lợi dụng truyền tải các quan điểm chính trị sai trái với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, lối sống lệch lạc, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, kích động bạo lực... nhằm phá hoại an ninh truyền thông, an ninh tư tưởng-văn hóa, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nhất là đối với giới trẻ.
Đề nghị Bộ thông tin và truyền thông phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, khắc phục. Thời gian tới, quản lý thông tin trên mạng Internet cần được ngành thông tin và truyền thông tăng cường thực hiện các nhóm giải pháp như: hành chính, kỹ thuật, nhất là tuyên truyền, giáo dục và kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực của mạng internet đối với đời sống xã hội và các trang mạng xã hộị.
Cần kết hợp chiến lược kiểm soát và hợp tác
Dưới góc độ là người công tác nghiên cứu và giảng dạy báo chí, tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận trong thời gian qua, công tác quản lý báo chí, truyền thông đã có những bước chuyển tích cực, nhiều sai phạm đã được phát hiện và xử lý vi phạm, tuy nhiên vẫn còn có những điểm “xấu” trong môi trường này, tạo ra những tác hại tiêu cực không những cho môi trường báo chí mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
Theo ông Huỳnh Văn Thông, hiện có nhiều tờ báo, trang thông tin điện tử “nhái,” không có hoạt động báo chí nhưng lại hoạt động như một tờ báo: tuyển dụng “phóng viên” nhí, chưa từng qua đào tạo nghiệp vụ và đạo đức báo chí để đưa tin, săn bài, thậm chí sử dụng bài viết của những phóng viên của các tờ báo chính thống đã dày công sức đầu tư để “xào, nấu,” đăng tải nhằm tạo ra hàng loạt những hiệu ứng bình luận tiêu cực. Từ đó, dẫn đến thực tế vàng thau lẫn lộn, khiến cho báo chí chính danh bị thiệt hại, người dân không biết tin đâu là sự thật.
Tiến sỹ Huỳnh Văn Thông tán thành việc Bộ Thông tin và Truyền thông có chiến lược dài hạn kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm, đạo đức của người dùng và cơ quan quản lý thông tin. Thêm vào đó, Internet là cửa thông tin với vô số các cánh cổng mở, vì vậy, cần thắt chặt các biện pháp chế tài, rà soát, định danh cơ quan báo chí chính thống; phân công các Sở, ban ngành phụ trách theo dõi từng trang thông tin.
Đặc biệt, “đình bản,” tạm ngưng hoạt động ngay đối với tờ báo nào không phải cơ quan báo chí vi phạm cơ chế hoạt động báo chí. Song song đó, cần kết hợp chiến lược hợp tác với người dùng để khai thác sức mạnh tự quản trị của môi trường này, kích thích những yếu tố tích cực để người dân có thể đóng góp, xây dựng môi trường báo chí ngày trong sạch.
Cần đầu tư nhiều hơn nữa trong việc phát triển công nghệ thông tin
Ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An : “Ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng, việc phát triển công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông và Intenet có bước phát triển mạnh. Tại Nghệ An, việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đạt được kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước, xúc tiến thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; cổng thông tin điện tử vận hành liên tục; hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động khá hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, nhất là địa bàn miền núi, do điều kiện tự nhiên, hạ tầng còn nhiều khó khăn nên việc phát triển công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông và Intenet gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của nhà nước, của địa phương.
Nhu cầu phát triển công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, Internet là rất lớn, chính vì vậy yêu cầu đặt ra cần phát triển bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với dịch vụ thương mại và phát triển viễn thông, Internet trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng.
Riêng tại Nghệ An, tỉnh đề ra mục tiêu sớm trở thành Trung tâm công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung Bộ, tiến đến xây dựng một chính quyền Nghệ An điện tử với sự vận hành, trao đổi thông tin thông suốt, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, với công dân.”
Cử tri Ngô Hữu Công, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai kiến nghị: đến nay, tỉnh Gia Lai đã xây dựng một số hệ thống thông tin, nhưng công tác an toàn, an ninh thông tin chưa được trang bị đầy đủ. Vậy đề nghị Bộ giúp đỡ, hướng dẫn các giải pháp cho những hệ thống thông tin như đảm bảo an toàn thông tin cho các trang thông tin điện tử trên địa bàn để không bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS); đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thư điện tử của tỉnh cũng như hệ thống Hội nghị truyền hình mà địa phương đã được trang bị đến cấp huyện. Ngoài ra, Bộ cũng nên ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ để triển khai chữ ký số trên địa bàn các tỉnh.
Nhà báo Nguyễn Quốc Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Nghệ An: Nghệ An là trung tâm báo chí lớn của cả nước, với 6 cơ quan báo chí của tỉnh và gần 40 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đặt đại diện, phóng viên thường trú. Báo chí phát triển mạnh, hội viên đông đảo, chính vì vậy nhà nước và các cơ quan báo chí cần quan tâm nhiều hơn nữa việc trang bị kiến thức chuyên môn cho đội ngũ làm báo, cho hội viên nhà báo; bồi dưỡng về các mặt, kể cả về đạo đức người làm báo.
Nhà nước nên có chế tài, có giải pháp quản lý tốt hơn hoạt động của các văn phòng đại diện báo chí ở địa phương, việc mở văn phòng đại diện, quản lý đội ngũ nhà báo, phóng viên báo chí hoạt động ở cơ sở. Hiện nay tại các địa phương bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động trên lĩnh vực báo chí đang tồn tại những bất cập, gây bức xúc cho xã hội, trong đó có cả tình trạng lợi dụng báo chí, mạo danh báo chí./.