Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành Chỉ thị về việc "Tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình" nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng mất an toàn lao động trong thời gian vừa qua.
Nhận định về sự cố gây mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng trong thời gian gần đây, Bộ Xây dựng khẳng định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này đã được ban hành tương đối đầy đủ. Nhất là sau hai năm triển khai thực hiện trên toàn quốc, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và các Thông tư hướng dẫn đã đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động xây.
Sự cố công trình giảm nhiều so với những năm trước đây, chiếm khoảng 0,1% tổng số công trình xây dựng. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2014, cả nước có 47 sự cố công trình xây dựng, giảm 23 công trình so với năm 2013. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn sập giàn giáo, cần cẩu làm rơi các vật nặng, thiết bị tại các công trình đang thi công xây dựng, gây tổn thất không nhỏ về người và tài sản.
Theo Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động nhưng mỗi vụ việc lại có những yếu tố khác nhau. Pháp luật cũng đã có quy định về hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một trong số những nguyên nhân thường dẫn đến tai nạn là công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình đang thi công chưa được chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu thực sự coi trọng; không tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng.
Tại nhiều công trình, công tác thiết kế, lắp đặt và sử dụng giàn giáo không đảm bảo an toàn như giàn giáo không được tính toán, thiết kế theo quy định; vật liệu chế tạo giàn giáo không đúng quy cách, việc lắp đặt giàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, không kiểm tra chặt chẽ, việc chất tải trên giàn giáo không đúng theo quy trình hoặc vượt tải trọng cho phép... Đó là chưa kể đến chất lượng giàn giáo, thiết bị qua sử dụng bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn nhưng không được kiểm tra, kiểm định theo quy định.
Người lao động không được huấn luyện về kỹ năng cũng như trang bị đầy đủ phương tiện an toàn trên công trường. Thực tế cho thấy người lao động bị tai nạn thậm chí còn vi phạm quy trình, quy chuẩn về an toàn; thiếu kiến thức về pháp luật liên quan đến bảo đảm an toàn lao động.
Các quy định sắp được ban hành trong thời gian tới sẽ điều chỉnh một cách chi tiết theo hướng bảo đảm các an toàn trong thi công. Mới đây nhất đã có Quy chuẩn Quốc gia QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng. Cùng với đó, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư hướng dẫn cho phù hợp với Luật Xây dựng năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động (mới được Quốc hội thông qua).
Các văn bản quy phạm đang xây dựng sẽ làm rõ các quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu tham gia xây dựng công trình phải có cán bộ chuyên trách quản lý về an toàn lao động; cấp chứng chỉ hành nghề an toàn lao động trong xây dựng; trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng của các chủ thể trong hoạt động đầu tư (từ Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát thi công...); quan hệ các chủ thể trong công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng; lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động.
Các văn bản cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của chỉ huy trưởng công trường khi để xảy tai nạn lao động; quản lý, vận hành máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trên công trường xây dựng, đặc biệt là sử dụng các loại cần cẩu làm việc trong thi công xây dựng ở đô thị, nơi có đông người qua lại.
Cùng với việc phải tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy còn có các quy định mới về an toàn vệ sinh lao động. Tất cả những quy định này dự kiến sẽ được ban hành trong quý 4/2015./.