Ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Chính phủ điện tử ngành giáo dục và đào tạo” với sự tham gia của đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hội thảo nhằm đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học; đồng thời, lấy ý kiến, thảo luận về việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giai đoạn tới.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025,” đồng thời, ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ giai đoạn 2016-2024 và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử.
[17 sản phẩm công nghệ thông tin vào chung khảo Nhân tài Đất Việt]
Bộ đã giao Cục Công nghệ thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ. Do vậy, những ý kiến chia sẻ, đề xuất tại hội thảo là cơ sở quan trọng để Bộ sớm hoàn thiện ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành giáo dục và đào tạo vào đầu năm tới.
Về xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Kiến trúc Chính phủ điện tử được hiểu như một bản thiết kế hệ thống tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin, giúp lãnh đạo các cấp có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai Chính phủ điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ Chính phủ điện tử.
Việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử sẽ tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin và cơ sở hạ tầng thông tin, đồng thời, tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí và thời gian; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế.
Ông Nguyễn Sơn Hải cũng chia sẻ khi xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phù hợp với khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; phù hợp với mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của quốc gia.
Các ứng dụng công nghệ thông tin cần được xây dựng hướng đến tính sử dụng cao, liên thông các cấp, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và cập nhật công nghệ mới.
Tại hội thảo, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ về những thành quả cũng như khó khăn thách thức trong ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giáo dục hiện nay, theo đó, hiện nay, tại nhiều địa phương, toàn bộ các phần mềm dùng chung của ngành Giáo dục và Đào tạo đều được triển khai theo mô hình định hướng của Bộ đến từng đơn vị, cơ sở giáo dục theo mô hình tập trung, trực tuyến…; đa số cán bộ, giáo viên và nhân viên trong ngành đều có kỹ năng cơ bản để khai thác, sử dụng công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu làm việc…
Tuy nhiên, ở một số tỉnh, do khó khăn chung của địa phương nên việc đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế. Hệ thống máy tính tại các trường do đầu tư lâu năm nên hết khấu hao sử dụng, xuống cấp. Nhiều cơ sở giáo dục chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà chủ yếu là kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, các cơ quan tài chính chưa thật sự tạo điều kiện về kinh phí cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nên việc đầu tư trang thiết bị, phần cứng và các ứng dụng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển./.