Để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các Sở, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Bình Thuận, giải quyết bức xúc về giao thông và là đòn bẩy để tỉnh phát triển.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160km.
Dự án gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây.
Quy mô hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe với bề rộng mặt đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100-120km/h, tổng mức đầu tư dự án khoảng 39.650 tỷ đồng.
Toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Diện tích đất giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh là 1.221ha; có 2.683 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, các Sở, ngành liên quan và các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã tập trung, tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao, một số công việc đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đến tháng 4/2020, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; đã chi trả tiền bồi thường cho 2.395/2.683 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 89,3%; diện tích đất sạch dân đã bàn giao cho các huyện quản lý 1.087/1.221ha.
Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt 1.379 tỷ đồng/2.018 tỷ đồng.
[Cao tốc Bắc-Nam: Kỳ vọng gì ở việc nhượng quyền khai thác?]
Để hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các lãnh đạo 5 huyện có đường cao tốc đi qua tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công trình này để vận động nhân dân sớm nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hoàn thành các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức quản lý theo quy định đối với toàn bộ diện tích đất đã hoàn thành công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; không để xảy ra hiện tượng người dân tái lấn chiếm.
Để phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát nhu cầu vật liệu cho dự án và đề xuất bổ sung các mỏ khoáng sản từ quy hoạch dự trữ sang quy hoạch đấu giá quyền khai thác hoặc bổ sung mới mỏ khoáng sản vào quy hoạch của tỉnh.
Đồng thời, xem xét đề nghị Bộ Công Thương, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp hướng dẫn, tạo điều kiện trong thống nhất giải pháp kỹ thuật, lập, thẩm định các hồ sơ di dời, cải tạo đường dây, phương án tổ chức thi công tại các vị trí giao chéo giữa đường cao tốc với đường điện cao thế 500kv và 220kv... nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng dự án của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất chuyển dự án cao tốc đoạn Phan Thiết (Bình Thuận)-Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức đối tác công-tư sang đầu tư công, và dự kiến sẽ khởi công vào tháng 8/2020./.