Sói Ethiopia - kẻ săn mồi có thể thụ phấn cho hoa ở cao nguyên châu Phi

Nói về những con sói liếm hoa poker ở Ethiopia, một nhà sinh vật học tại Đại học Oxford nói: "Tôi không ngờ loài sói lại thích đồ ngọt! Rõ ràng là chúng đang thưởng thức món tráng miệng."
Một con sói Ethiopia lang thang giữa những bông hoa của cây poker đỏ rực. (Nguồn: CNN)

Trong một trong những chuyến đi đầu tiên nghiên cứu loài sói ở Ethiopia vào cuối những năm 1980, nhà sinh vật học Claudio Sillero đã quan sát thấy một hành vi rất bất thường: Những con sói “chủ ý” liếm những bông hoa rực rỡ của cây poker đỏ rực mọc ở vùng cao nguyên của đất nước này.

Theo nghiên cứu mới, tương đối ít động vật có vú được ghi nhận uống mật hoa và đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo về một loài ăn thịt lớn làm như vậy.

"Tôi không ngờ loài sói lại thích đồ ngọt! Rõ ràng là chúng đang thưởng thức món tráng miệng" - Sillero, Giáo sư về sinh học bảo tồn tại Đại học Oxford, cho biết.

Theo CNN, ông và các nhà khoa học khác đã quan sát hành vi kỳ lạ này của loài sói Ethiopia trong vài thập kỷ qua. Một nghiên cứu trong đó Sillero là đồng tác giả - được công bố trên Tạp chí Ecology vào tháng 11 vừa qua - cho rằng loài sói thậm chí có thể giúp thụ phấn cho loài hoa đặc biệt này.

Sillero và các đồng nghiệp đã theo dõi sáu con sói từ ba đàn khác nhau thường xuyên lui tới những bông hoa trong bốn ngày liên tiếp từ cuối tháng Năm đến đầu tháng Sáu - thời điểm bắt đầu mùa nở hoa kéo dài sáu tháng của loài cây này.

Cả sáu con sói đều liếm hoa từ khoảng một phút đến 1,5 giờ. Những “kẻ săn mồi” có nguy cơ tuyệt chủng này được theo dõi thường xuyên như một phần của Chương trình bảo tồn loài sói Ethiopia, do Sillero thành lập vào năm 1995 sau một vài lần đầu tiên ông đến khu vực này.

Theo Sillero, sói Ethiopia hầu như chỉ săn bắt các loài gặm nhấm nhỏ, và mật hoa chỉ bổ sung cho chế độ ăn thịt của chúng.

Các nhà nghiên cứu giải thích lựa chọn chế độ ăn này bằng "giả thuyết món tráng miệng" - một lý thuyết mô tả cách một loài vật “tận dụng” một nguồn tài nguyên bổ sung mà chúng thích, nhưng không cần, khi có sẵn.

Ông nói thêm rằng các loài khác như khỉ đầu chó, dê núi và cả chó nhà cũng thích vị mật ngọt của những bông hoa vùng cao của đất nước này.

Sau khi xem những đứa trẻ chăn cừu địa phương chơi đùa và liếm hoa, Sillero không thể cưỡng lại việc tự mình nếm thử. Ông cho biết mật hoa "thực sự rất ngọt và khá dễ chịu."

Theo Sillero, lượng phấn hoa đáng kể tích tụ trên mõm sói có thể đồng nghĩa sói giúp thụ phấn cho cây - bằng cách vận chuyển phấn hoa từ bông hoa này sang bông hoa khác. Nghiên cứu lưu ý rằng đây là trường hợp đầu tiên một loài ăn thịt lớn đóng vai trò là loài thụ phấn.

Hoa thụ phấn nhờ sói?

Theo Jeff Ollerton - Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Northampton ở Vương quốc Anh, cây poker được thụ phấn phần lớn nhờ chim. Ollerton, một nhà sinh thái học thụ phấn, cho biết: “Chúng có những bông hoa hình ống khá rực rỡ, thường có màu đỏ hoặc cam, và rất nhiều mật hoa.”

Ông cho rằng cây trồng cũng có thể được thụ phấn nhờ sói, nhưng trường hợp đó không nhiều. “Không phải là không thể… nếu sói là loài thụ phấn, tôi nghĩ có lẽ chúng đóng vai trò nhỏ hơn nhiều so với loài chim” - Ollerton nói.

Chú sói Ethiopia liếm một bông hoa poker. (Nguồn: CNN)

Sói Ethiopia chỉ cao khoảng 60cm và dài khoảng 1m. Ollerton cho biết “kích cỡ’ này có thể chỉ cho phép những con sói tiếp cận được những bông hoa ở vị trí thấp nhất. Đây thường là những bông hoa “già” nhất và "đã được thụ phấn hoặc không còn khả năng sinh sản."

Tuy nhiên, "sự thụ phấn của động vật có vú chắc chắn chưa được ghi chép đầy đủ" - Ollerton lưu ý. "Những quan sát này chỉ là bước đầu tiên để thực sự hiểu được liệu những con sói có phải là loài thụ phấn hay không."

Sáng kiến bảo tồn

Hiện chỉ còn 454 con sói Ethiopia trưởng thành. Chúng là loài đặc hữu trên đồng cỏ Afroalpine của Ethiopia và chỉ sống ở một số ít khu vực biệt lập. Loài này bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi tình trạng mất môi trường sống, do dân số Ethiopia tăng nhanh và sự lây nhiễm các bệnh từ chó nhà.

Thông qua nghiên cứu và thực hiện nhiều sáng kiến bảo tồn khác nhau, Chương trình Bảo tồn Sói Ethiopia đã giúp ổn định quần thể sói, dẫn đến việc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thay đổi tình trạng của loài này từ "cực kỳ nguy cấp" sang "nguy cấp" vào năm 2004.

Bằng cách thu hút công chúng vào những nghiên cứu thú vị - chẳng hạn như phát hiện về loài sói Ethiopia uống mật hoa - Sillero muốn nâng cao sự hiểu biết của mọi người về loài vật này. "Đây là một mô hình rõ ràng cho chính sách bảo tồn" - ông nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục