Sôi động thị trường chứng quyền có bảo đảm sau dịch COVID-19

Trên thị trường chứng quyền có bảo đảm (CW), dòng tiền mạnh mẽ được kích hoạt với mức thanh khoản tăng vọt so với những tháng trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhờ các biện pháp kiểm soát tốt dịch COVID-19, kể từ tháng 4/2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục đáng kể, kéo theo sự tăng vọt của các chỉ số.

Trên thị trường chứng quyền có bảo đảm (CW), dòng tiền mạnh mẽ được kích hoạt với mức thanh khoản tăng vọt so với những tháng trước đó.

Đáng chú ý, trong thời điểm này, nhiều mã chứng quyền mới đã chính thức gia nhập thị trường.

Ngày 29/5, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chính thức niêm yết thêm 8 mã chứng quyền dựa trên 8 mã cổ phiếu cơ sở, bao gồm TCB, STB, VPB, VHM, VRE, VNM, HPG và MWG.

[Xu hướng chứng khoán: Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn dần co hẹp]

Tổng khối lượng phát hành đợt này lên tới 25 triệu chứng quyền, tất cả đều có tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.

Trước đó, ngày 11/5, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho ra mắt 9 mã CW và trở thành công ty chứng khoán phát hành chứng quyền nhiều nhất trên thị trường hiện nay.

Trong đợt phát hành này, KIS cho ra mắt chứng quyền CTD đầu tiên trên thị trường với mã CCTD2001.

Ngoài ra, còn có các chứng quyền khác với chứng khoán cơ sở gồm HPG, MSN, ROS, STB, VIC và VRE đều nằm trong rổ VN30 trên sàn HOSE.

Cuối tháng 4/2002, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng chính thức phát hành 6 mã CW dựa trên các cổ phiếu cơ sở FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ và REE.

Trong tháng Tư, trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) ghi nhận 10 mã CW mới giao dịch với tổng khối lượng niêm yết mới đạt 18,5 triệu CW. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 6,72 triệu CW/phiên, tương đương giá trị giao dịch đạt 2,26 tỷ đồng/phiên.

Số lượng này tăng lên đáng kể so với con số 5 mã CW với 15 triệu CW trong tháng Ba. Tính từ khi ra mắt, HOSE đã cấp quyết định niêm yết và giao dịch cho 116 mã CW trên 21 cổ phiếu cơ sở của 9 tổ chức phát hành.

Theo ghi nhận của các công ty chứng khoán, từ đầu tháng 5 đến nay, cùng với thị trường cơ sở, nhiều mã CW đang giao dịch sôi động trở lại và có mức sinh lời khá. Có thời điểm (ngày 27/5), thanh khoản của thị trường chứng quyền tăng mạnh lên mức 12 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần so với mức bình quân giao dịch của tháng 4.

Một số mã chứng quyền như CHPG2004 do SSI phát hành dựa trên chứng khoán cơ sở HPG, có thời điểm đã tăng tới 480% so với thời điểm đầu tháng 5. Đây cũng là mã chứng quyền có mức tăng giá tốt nhất dựa trên cổ phiếu HPG.

Chứng quyền CFPT2003 và CFPT2004 của SSI cũng có mức tăng rất tốt, tương ứng 40% và 54% trong tháng 5; đồng thời cũng chuyển trạng thái từ OTM (lỗ) sang ITM (lãi) ở thời điểm hiện tại. Riêng chứng quyền CMWG2004, SSI đã bán gần hết loại chứng quyền này ngay từ giữa vòng đời của sản phẩm.

Theo đại diện SSI, cùng với thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gặp phải những biến động tiêu cực trong những tháng vừa qua. Nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền từ trước khi có dịch hầu hết chịu thua lỗ.

Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và thị trường chứng khoán hồi phục, nhà đầu tư giao dịch chứng quyền với mục đích giao dịch ngắn hạn lướt sóng, hay mua nắm giữ hiện đều đạt được mức sinh lời khá.

Đại diện SSI cũng cho rằng trong mùa dịch khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư có sự lựa chọn duy nhất để phòng hộ rủi ro là sử dụng sản phẩm Hợp đồng tương lai. Sau khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa xác định xu hướng rõ ràng, thì nhà đầu tư có thể sử dụng Chứng quyền mua như một công cụ đầu cơ phí rẻ nhưng có nhiều lợi nhuận khi thị trường tăng mạnh (như tháng 4 và tháng 5 vừa qua) như một cách phân bổ tài sản.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư yêu thích giao dịch sản phẩm chứng quyền trong dài hạn nên dành thời gian để nắm thêm các khía cạnh kỹ thuật liên quan tới sản phẩm. Chẳng hạn như, nhà đầu tư có thể tự định giá chứng quyền dựa trên công cụ cung cấp bởi HOSE, để tránh mua sản phẩm được định giá quá cao hay chứng quyền đang giao dịch ở giá cao, do tác động từ sự bất cân đối trong cung cầu chứng quyền.

Nhà đầu tư cũng nên lưu ý giá thanh toán chứng quyền là trung bình giá cuối ngày giao dịch 5 phiên trước khi chứng quyền đáo hạn. Do vậy, cần lưu ý mốc thời gian này để tránh mua chứng quyền dù có giá rất thấp, có thể chỉ 10 đồng, nhưng về thực tế hoàn toàn không có cơ hội sinh lời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục