Sôi động thị trường bánh kẹo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua các sản phẩm bánh kẹo tăng mạnh, vì vậy các đơn vị sản xuất và cung ứng đã sớm chuẩn bị nguồn hàng dồi dào với những mẫu mã đa dạng nhằm phục vụ người tiêu dùng.
Các gian hàng bánh kẹo thu hút nhiều khách hàng trong dịp mua sắm cuối năm. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Chỉ còn 15 ngày nữa là Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ “gõ cửa” từng nhà. Thời điểm này, không khí Tết đã tràn ngập khắp các siêu thị, trung tâm mua sắm và các khu chợ truyền thống. Các sản phẩm bánh, kẹo, mứt Tết đều đã được các đơn vị kinh doanh, tiểu thương đặt ở những vị trí thuận tiện nhất để thu hút khách hàng.

Hàng nội "làm chủ" thị trường

Thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự đoán "khởi sắc" hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm sau đại dịch COVID-19. Cộng thêm việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau cũng khiến khâu chuẩn bị hàng hóa, trong đó có các sản phẩm bánh kẹo Tết được các đơn vị gấp rút triển khai.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại các phố Hà Nội tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo như Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Ngọc Hà, Sơn Tây... đa số sản phẩm bày bán được cung cấp từ doanh nghiệp sản xuất trong nước với nhiều mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, lượng khách đến mua sắm chưa được đông bởi tâm lý người dân thường đợi đến khi cận Tết mới mua.

[Sôi động thị trường đồ trang trí dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023]

Chị Mai Khanh, quản lý cửa hàng bánh kẹo địa chỉ 19 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết năm nay phần đông người tiêu dùng lựa chọn bánh mứt kẹo sản xuất trong nước hàng cao cấp, bởi chất lượng tốt mà giá thành chỉ bằng 50-60% so với bánh kẹo nhập ngoại cùng loại.

"Các đơn vị sản xuất cũng rất chú trọng mẫu mã: Cùng một thương hiệu bánh nhưng có nhiều thiết kế loại hộp giấy, hộp thiếc, hộp nhôm... với kích cỡ, hương vị đa dạng để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp với từng mục đích sử dụng như làm quà tặng hoặc bày mâm Tết," chị Khanh chia sẻ.

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị LotteMart, tỷ lệ các sản phẩm bánh kẹo hàng Việt Nam cũng chiếm từ 80-90% các kệ hàng; tương tự, tại các hệ thống các siêu thị khác như Go!BigC, WinMart, Co.opMart..., tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước cũng chiếm đa số, phần lớn đến từ các thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica...

Các sản phẩm hàng nội đang 'chiếm sóng' trên các gian hàng bánh kẹo với những mẫu mã bắt mắt được thiết kế cho dịp Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Tại các siêu thị lớn, giá các mặt hàng bánh kẹo Tết có tăng hơn năm ngoái, nhưng không nhiều: Bánh Danisa Gold hộp 792 gram dao động từ 239.000 đến 245.000 đồng/hộp; bánh Goute hộp thiếc từ 117.000 đến 199.000 đồng/hộp; bánh Cosy hộp thiếc từ 95.000 đến 99.000 đồng/hộp; các loại mứt Tết như hạnh nhân sấy dao động từ 319.000 đến 329.000 đồng/kg; hạt hướng dương từ 97.000 đến 99.000 đồng/kg; hạt bí, hạt dưa khoảng 236.000 đồng/kg, mứt dừa, mứt gừng từ 137.000 đến 187.000 đồng/kg; hạt điều muối 486.000 đồng/kg; kẹo thạch Zai Zai Plus 85.000 đồng/kg...

Qua tham khảo, đa số khách hàng đánh giá các sản phẩm bánh kẹo phục vụ Tết năm nay có mẫu mã phong phú, giá cả ổn định, được dán tem nhãn, ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm, không sợ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cảnh giác với thực phẩm không rõ nguồn gốc

Cùng với sản phẩm chất lượng đến từ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở uy tín, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện một số loại bánh kẹo kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cuối năm là thời điểm thị trường hàng hóa ngày càng sôi động, tạo "cơ hội" để nhiều đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi nhuận cao.

Nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để chào bán những mặt hàng kém chất lượng, không nhãn mác, thương hiệu hoặc hết hạn sử dụng... Đứng trước “ma trận” bánh, mứt, kẹo dịp lễ Tết, người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.

Từng là "nạn nhân" khi mua phải sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, chị Thu Hường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi có đặt mua một giỏ quà Tết qua mạng để tặng người thân. Đến khi nhận được hàng, tôi phát hiện ra các gói mứt, hạt hướng dương không hề có nhãn mác, bao bì. Liên hệ lại với chủ cửa hàng, tôi nhận được lời giải thích đây là 'hàng handmade' nên không có nhãn mác."

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm trong dịp cuối năm, đặc biệt là với các sản phẩm bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Tại các gian hàng bánh kẹo ở phố Hàng Giày, Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - "thủ phủ" bánh kẹo cân được bày bán la liệt với tiêu chí "Ba không" - Không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác. Các loại kẹo bánh với đầy đủ màu sắc bắt mắt này được bán với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg.

Tại một số chợ nhỏ lẻ, tự phát, người tiêu dùng có thể nhận ra những sản phẩm "nhái" theo các thương hiệu nổi tiếng xen lẫn với các sản phẩm nhập khẩu, như Damisa (nhái theo Danisa); Choocopie, Chocopai (nhái theo Chocopie); Custard - hàng nhái của hãng Custas; các loại bánh quy Ozeo, Oroe, Borio... nhái theo thương hiệu Oreo...

Để đối phó với tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cảnh báo người dân cần thận trọng khi mua sắm trong dịp cuối năm. Người tiêu dùng nên mua hàng tại địa chỉ uy tín, gian hàng chính hãng; tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác để tránh mua hàng giả, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng; tránh chọn mua những sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì đây có thể là những sản phẩm chứa phẩm màu, phụ gia gây độc hại cho sức khỏe.

Khi mua sắm qua các website trực tuyến, người tiêu dùng nên liên hệ trực tiếp với địa chỉ bán hàng để được tư vấn cụ thể về các sản phẩm cần mua và làm rõ các chính sách như vận chuyển, đổi trả, hạn sử dụng... trước khi mua hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục