Ngày 27/5, trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch văn hóa tỉnh Sơn La năm 2023, tại thung lũng Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu diễn ra Ngày hội hái quả mận hậu.
Tại những vườn mận sai trĩu quả, trong vòng 3 phút, các đội đã mang đến phần thi ấn tượng, tự tin thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm để hái được nhiều quả mận hậu nhất.
Đồng thời, các đội còn tham gia nhiều phần thi độc đáo như thi thưởng thức quả mận hậu; tạo hình, trình bày mâm quả và giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu...
Hơn 40 năm bén rễ và phủ xanh mảnh đất cao nguyên Mộc Châu, cây mận hậu đã gắn bó và trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, là phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Đến nay, toàn huyện có hơn 3.200ha đất trồng cây mận và Ngày hội hái quả được tổ chức không chỉ là ngày hội của những người trồng mận, mà còn để du khách có dịp tham quan, trải nghiệm những nét đẹp văn hoá, du lịch, con người tại cao nguyên tươi đẹp này.
[Trồng mận rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La]
Tại Ngày hội, du khách cũng được tham gia trải nghiệm các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và trực tiếp tham gia nhiều phần thi hấp dẫn giành cho khán giả như thi thưởng thức quả mận, thi kéo co...
Ngày hội hái quả, được huyện Mộc Châu tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch thường niên của huyện.
Qua mỗi dịp tổ chức ngày hội, thương hiệu mận hậu Mộc Châu ngày càng được đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế biết đến nhiều hơn; tạo được niềm tin, sự phấn khởi, tự hào của người dân trồng mận, góp phần quan trọng trong việc tạo ra một sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.
Năm nay, ngày hội được tổ chức với thông điệp “Sản xuất nông sản sạch gắn bảo vệ môi trường.” Thông qua ngày hội, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế về chất lượng vượt trội của sản phẩm mận hậu Mộc Châu so với sản phẩm mận được trồng ở các địa phương khác bởi độ giòn, ngọt, thơm và đặc biệt là an toàn, tốt cho sức khỏe.
Đồng thời, gửi đi thông điệp sản xuất nông sản an toàn, nói không với thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật nguy hại. Qua đó, góp phần phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên bền vững, bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa cho biết Mộc Châu không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu ôn hòa. Mỗi mùa mận ra hoa, kết trái cũng là những thời điểm lý tưởng để du khách thập phương đến cao nguyên Mộc Châu tham quan, trải nghiệm và hòa mình vào những ngày hội độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Những năm gần đây, mận hậu đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Do đặc tính của cây mận có thời gian thu hoạch ngắn, sản lượng lớn nên khi vào vụ thường tiêu thụ khó khăn, giá bán không cao.
Để kéo dài thời gian thu hoạch, nhiều hộ nông dân đã áp dụng kỹ thuật rải vụ, nên thời gian thu hoạch của cây mận đã sớm hơn khoảng gần 2 tháng và kéo dài thêm 1 tháng so với cây mận chính vụ. Vì vậy, giá cả, đầu ra của quả mận luôn ổn định và mang lại giá trị kinh tế rất cao cho các thành viên.
Bằng kỹ thuật rải vụ, quả mận chín sớm hơn nên người dân không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó.
Để hỗ trợ người dân, huyện đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng chăm sóc cây mận hậu, cách thức để mận chín sớm cho năng suất, chất lượng cao.
Cùng với đó, ở một số nơi người dân còn đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động, xây dựng nhà lưới chống mưa đá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho quả mận.
Chính quyền địa phương còn hỗ trợ người dân tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử. Đây cũng là hướng tiêu thụ được nhiều hộ trồng mận trên địa bàn tỉnh Sơn La áp dụng cho các vụ mận hậu tiếp theo./.