Sợi dây nối liền văn hóa Việt Nam tại đất nước Malaysia

Sau gần 5 năm hoạt động, lớp học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Malaysia đã hoàn thiện hơn trong khâu tổ chức, số học sinh đã tăng lên 7 lớp với số học sinh là 30 cháu.
Cô, trò lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Hằng Linh/Vietnam+)

"Con chào bố ạ/Con chào mẹ yêu/Con đi học nhé/Chiều con lại về."

Chiều cuối tuần nào cũng vậy, trong nhà cô Liên lại vang lên giọng hát con trẻ thật dễ thương, thoạt nghe tôi không nghĩ là giọng hát của một cô bé không biết tiếng Việt vì Glory hát như một em bé 5 tuổi khác ở Việt Nam và ngạc nhiên hơn khi biết được lớp học tiếng Việt vẫn duy trì đều đặn mặc dù chuyển sang hình thức học trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Ý tưởng mở lớp tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Malaysia bắt đầu từ một số thành viên tích cực của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia.

[Dạy tiếng Việt cho kiều bào - Gìn giữ, phát huy bản sắc của dân tộc]

Ngày 16/10/2016, lớp tiếng Việt chính thức được khai giảng. Dù ban đầu có thiếu thốn nhiều trang thiết bị, nhưng lớp học đi vào hoạt động đều đặn tuần một buổi với 2 lớp chia làm 2 trình độ và mỗi lớp có khoảng 10 học sinh.

Vào dịp kỷ niệm một năm ngày khai giảng, lớp học tiếng Việt đã được chuyển đến phòng tiếp dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Căn phòng này đã được dành cho cô và trò vào mỗi dịp cuối tuần.

Khỏi phải nói niềm hân hoan vui mừng của cả cô lẫn trò khi được đến lớp học mới.

Ngoài giờ học trên lớp, cô, trò còn tổ chức những hoạt động ngoại khóa để giúp các con ôn tập và nhớ từ vựng. Chính vì vậy, nhiều tiết mục văn nghệ của cô, trò lớp tiếng Việt dàn dựng và biểu diễn đã được chọn biểu diễn tại các sự kiện do Cộng đồng người Việt tại Malaysia tổ chức như Tết cộng đồng, Ngày quốc tế thiếu nhi và tết Trung thu...

Anton là bố của Glory, anh từng làm việc tại Đức, Nhật và nhiều nơi khác trên thế giới, hiện anh đang sống và làm việc tại Malaysia.

Lo lắng con gái không thể nói tiếng Việt khi anh kết hôn với một cô gái Trung Quốc và bản thân cũng không biết phải dạy con thế nào cho đúng phương pháp, do vậy anh đã thiết tha xin cho con nhập học lớp tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur.

Tại thời điểm đó, Glory mới 3 tuổi. Trước đề nghị của ông bố trẻ, cô Liên đã rất ngập ngừng vì Glory còn nhỏ quá.

Thế nhưng, với lòng yêu nghề và có trách nhiệm với sứ mệnh cao cả được Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia giao phó, cô Liên đã dành hẳn một buổi cuối tuần tại nhà để kèm riêng Glory.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên trả lời phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur. (Ảnh: Hằng Linh/Vietnam+)

Bằng kinh nghiệm sư phạm của mình, cô Liên biết rằng với Glory cô sẽ phải bắt đầu dạy tiếng Việt bằng một cách khác với những anh chị lớn tuổi hơn. Những bài hát ngắn, gắn với chủ đề gia đình đã được cô chọn riêng cho Glory như vậy.

Học chuyên ngành sư phạm văn, nên dạy tiếng Việt là công việc mà cô Liên luôn thấy yêu thích.

Cơ duyên đến với Malaysia cách đây gần 9 năm, khi chồng cô nhận công việc mới ở Kuala Lumpur, cô đã cùng gia đình rời Việt Nam và gắn bó với mảnh đất này đến tận ngày hôm nay. Kinh nghiệm sư phạm của cô đã khiến các bạn nhỏ đều trong lớp đều rất thích học.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Kent Hồ, 12 tuổi, một thành viên của lớp tiếng Việt, tâm sự: “Con rất thích học tiếng Việt và con rất tự hào vì nói được tiếng Việt ở nước ngoài. Tại lớp học con được học lịch sử Việt Nam, những bài thơ nổi tiếng của Trần Đăng Khoa..”

Trò là vậy, cô là vậy, song nếu bố mẹ không quyết tâm thì cô trò cũng không gặt hái được nhiều thành công như thế.

Mặc dù bận bịu với công việc, song anh Anton Nguyễn chưa bao giờ làm lỡ một buổi học nào của con suốt 2 năm qua.

Không quản nắng mưa, đường xa, cuối tuần nào anh cũng đưa đón con đi học, trong khi đợi con học, anh kết hợp giải quyết công việc, lúc thì hẹn đối tác đến làm việc dưới sảnh nhà cô giáo, lúc thì mang theo máy tính, tài liệu theo đọc...

Hai năm trôi qua, giờ bé Glory đã đọc, viết, thành thạo, kể chuyện và hát cho ông bà nội đang sống ở bên Đức.

Cũng như anh Anton, chị Bích Tuyền, mẹ của hai bé gái đang theo học lớp tiếng Việt, tâm sự: “Là người Việt Nam tôi mong muốn các con có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp với gia đình bên ngoại, đồng thời có thể hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa tại nơi mẹ cháu sinh ra và lớn lên.”

Sau gần 5 năm hoạt động, lớp học đã hoàn thiện hơn trong khâu tổ chức, số học sinh đã tăng lên 7 lớp với số học sinh là 30 cháu. Hiện tại, lớp tiếng Việt đang hoạt động ổn định và luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia cũng như một phụ huynh.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát những sự trợ giúp đặc biệt này đã giúp lớp học tiếng Việt tại Malaysia vẫn tiếp tục được duy trì qua hình thức trực tuyến và thu hút ngày càng nhiều con em kiều bào theo học.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Đại sứ Trần Việt Thái cho biết khi chuyển sang hình thức học online số học sinh tăng lên do các cháu ở xa có thể tham gia và Đại sứ quán vẫn đồng hành cùng cô, trò.

Đại sứ quán hỗ trợ mua giáo cụ và bản quyền học qua phần mền zoom online để cô, trò học ổn định hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên dạy học tiếng Việt trực tuyến.(Ảnh: Hằng Linh/Vietnam+)

Đại sứ khẳng định Đại sứ quán hết sức tạo điệu kiện ủng hộ để cô, trò học tốt, hoàn thành mọi nỗ lực để góp phần cùng với toàn Đảng, Nhà nước và toàn nhân dân trên toàn cầu duy trì bản sắc Việt, duy trì ngôn ngữ Việt ngày càng phát triển trong cộng đồng người Việt ở trên toàn thế giới.

Đồng bào và kiều bào ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của đồng bào và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hoạt động dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam, gắn bó với quê hương, đồng thời xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.

Với nỗ lực của các tổ chức trong nước và hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào tại Malaysia đang được nâng cao góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, tạo sợi dây gắn kết người Việt trẻ với quê hương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục