'Sợi dây' gắn kết để y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng

Bộ Y tế xác định, tuyến y tế cơ sở sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân.
'Sợi dây' gắn kết để y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng ảnh 1Người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hạ tầng kỹ thuật y tế là một trong những yếu tố tiên quyết để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân.

Có một vấn đề tồn tại mà hệ thống y tế đang phải đối mặt, đó là hạ tầng kỹ thuật của nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là các trạm y tế xã tại các khu vực khó khăn còn rất hạn chế. Điển hình cơ sở nhà trạm xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, không có đủ trang thiết bị y tế cơ bản, thiếu các loại thuốc thiết yếu…

[Mở rộng thêm đối tượng tham gia dự án bác sỹ trẻ tình nguyện]

Có thể nói những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật đã gây tác động tiêu cực tới năng lực cung ứng dịch vụ y tế cũng như chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế).

Triển khai các can thiệp cốt lõi

- Hiện nay, nhiều trạm y tế xã cho dù cơ sở vật chất khang trang nhưng người dân vẫn chưa mặn mà và chưa có thói quen đi khám ban đầu tại trạm. Theo bà, điều này được lý giải như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Để nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở, điều quan trọng là chúng ta cần triển khai thực hiện đồng bộ toàn bộ các can thiệp cốt lõi. Đó là việc củng cố tổ chức, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhân lực y tế, nâng cao năng lực quản trị, giải quyết những nút thắt về tài chính y tế và tăng cường công tác truyền thông…

Việc tập trung triển khai những nỗ lực đơn lẻ như xây mới/cải tạo cơ sở nhà trạm, bổ sung/thay thế trang thiết bị y tế sẽ khó mang lại hiệu quả mong muốn. Điều này giải thích tại sao tại một số địa phương, việc đầu tư thiếu đồng bộ ở trạm y tế xã với việc chỉ chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong khi nhân lực y tế không được đầu tư tương xứng đã không tạo ra tác động đáng kể trong việc nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ y tế của trạm y tế xã.

- Theo phó giáo sư, để cải thiện tình trạng trên cần có những biện pháp như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Để giải quyết tình trạng này, trước hết các ngành y tế địa phương cần nhận thức rõ việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế cơ sở không phải là mục tiêu mong muốn cuối cùng của quá trình đổi mới hệ thống y tế cơ sở. Mục tiêu mong muốn cuối cùng mà hệ thống y tế cơ sở cần hướng tới là người dân được chăm sóc sức khỏe tối ưu, như cải thiện thực trạng sức khỏe, cải thiện sự hài lòng và giảm thiểu rủi ro tài chính.

'Sợi dây' gắn kết để y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng ảnh 2Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mục tiêu mong muốn cuối cùng này sẽ được hệ thống y tế thực hiện thông qua việc hoàn thành mục tiêu trung gian, vận hành hiệu quả mô hình cung ứng dịch vụ y tế cơ sở mới theo hướng lồng ghép, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục suốt vòng đời, lấy người bệnh làm trung tâm và dựa trên nền tảng y học gia đình.

Để thực hiện được mục tiêu trung gian này, chúng ta cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện (yếu tố) cần thiết để hệ thống y tế cơ sở vận hành tối ưu theo mô hình cung ứng dịch vụ mới. Các điều kiện (hay yếu tố) cần thiết này như hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, quản trị, hệ thống thông tin, tài chính y tế… có mối quan hệ chặt chẽ, tương tác lẫn nhau để tạo nên tác động chung.

Do vậy việc đảm bảo đầy đủ và đồng bộ các yếu tố này có vai trò hết sức quan trọng cho việc thực hiện hiệu quả mục tiêu trung gian cũng như mục tiêu cuối cùng của hệ thống y tế cơ sở.

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực

- Thưa bà, 138 trạm y tế xã tới đây sẽ được xây mới và 325 trạm được nâng cấp. Đây là một tín hiệu mừng với nhiều người dân. Tuy nhiên chúng ta sẽ giải quyết bài toán về nguồn nhân lực ra sao?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Bên cạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, việc phát triển nhân lực y tế tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt tại những khu vực khó khăn có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có chiến lược phát triển nhân lực y tế phù hợp về kỹ thuật, văn hóa và đảm bảo khả năng duy trì bền vững. Trong đó, việc kết hợp đồng bộ các giải pháp dài hạn với các giải pháp ngắn hạn, giải quyết các vấn đề cấp bách và hỗ trợ giảm thiểu những bất lợi liên quan đến thu hút nhân lực y tế chất lượng cao trong thị trường lao động.

Điều này liên quan tới việc tối ưu hóa đội ngũ nhân lực y tế hiện có bao gồm hệ thống công lập như tái phân bổ nhân lực, kết hợp quân dân y… và những hệ thống nhân lực khác kể cả y tế tư nhân, cũng như các nhóm phi chính thức hay bán chuyên trách như nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, người khám chữa bệnh dân gian…

'Sợi dây' gắn kết để y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng ảnh 3Tủ thuốc tại Trạm y tế xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Về giải pháp lâu dài cần tăng cường đào tạo dài hạn và cập nhật ngắn hạn; tăng cường hỗ trơ kỹ thuật thường xuyên từ tuyến trên; mở rộng các cơ hội đào tạo nâng cao năng lực suốt đời; nâng cao vị thế (nghề nghiệp, xã hội và kinh tế) của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu; đổi mới mô thức quản trị (minh bạch, dân chủ và khuyến khích sự sáng tạo)…

- Gần đây nhiều ý kiến đưa ra việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo mô hình mới. Bà có thể phân tích rõ hơn về mô hình này?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Trước hết chúng ta cần thấy rằng quan điểm về chăm sóc sức khỏe ban đầu gần đây đã có sự thay đổi căn bản. Hiện nay người ta coi chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm 3 cấu phần có liên quan chặt chẽ với nhau.

Cấu phần thứ nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người dân thông qua chăm sóc toàn diện: nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ theo suốt vòng đời; ưu tiên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản hướng tới cá nhân và gia đình thông qua chăm sóc ban đầu và hướng tới cộng đồng dân cư thông qua các chương trình y tế công cộng.

Yếu tố thứ hai là giải quyết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe (kinh tế, xã hội và môi trường) thông qua các chính sách và hành động liên ngành.

Cấu phần thứ ba là trao quyền cho cá nhân, gia đình và cộng đồng để tối ưu hóa sức khỏe của họ.

Cùng với sự thay đổi về quan điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng đang trong quá trình chuyển đổi (từ mô hình chăm sóc sức khỏe truyền thống sang mô hình chăm sóc sức khỏe lồng ghép, liên tục suốt vòng đời, lấy người dân là trung tâm và dựa trên nền tảng y học gia đình.

Việc chuyển đổi này nhằm đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những thay đổi nhanh chóng về mô hình bệnh tật (xu hướng gia tăng các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm) cũng như tình trạng già hóa dân số. Với việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo mô hình mới, việc sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung… cũng như quản lý sức khỏe cá nhân sẽ được triển khai thường quy ngay tại trạm y tế xã.

Hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

 - Trong xu hướng phát triển y tế cơ sở lần này ngành y tế có nhiều định hướng mới. Bà có thể cho biết những định mới này là gì?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Đó là việc Trung tâm y tế huyện quản lý toàn bộ hệ thống y tế, điều phối linh hoạt và sử dụng có hiệu quả toàn bộ các nguồn lực y tế (nhân lực, vật lực và tài lực) trên địa bàn. Việc quản lý này nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân trên địa bàn huyện, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến huyện cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế xã.

Trạm tế xã là điểm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu: Khám chữa bệnh thông thường, dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý các bệnh không lây nhiễm… dựa trên nguyên lý y học gia đình.

- Bà có thể phân tích rõ hơn về việc các trạm tế xã sẽ quản lý, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình như thế nào?

 Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Đó là việc chăm sóc phối hợp, chăm sóc toàn diện, chăm sóc liên tục, hướng cộng đồng, hướng gia đình, và hướng dự phòng, là tấm lá chắn đầu tiên (người gác cổng) của toàn bộ hệ thống y tế.

Định hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã thay cho vai trò cá nhân bác sỹ gia đình. Nhóm nhân lực này không chỉ bao gồm những nhân viên cơ hữu tại trạm y tế xã mà bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến trên (làm việc luân phiên tại trạm y tế xã, khám chữa bênh định kỳ tại trạm y tế xã hay hỗ trợ từ xa cho trạm y tế xã).

Đặc biệt, cách tiếp cận chú trọng chức năng cung ứng dịch dịch vụ hơn cá thể hóa nhân lực y tế sẽ đòi hỏi yêu cầu cao hơn về điều phối nhân lực y tế trên địa bàn. Ngành y tế sẽ đổi mới với việc lồng ghép chức năng nhiệm vụ (liên quan tới cá nhân, nhóm, tổ chức) để tăng tính linh hoạt trong việc cung ứng dịch vụ y tế.

'Sợi dây' gắn kết để y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng ảnh 4Danh mục dịch vụ tại một trạm y tế xã. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đơn cử như việc tích hợp chức năng dân số phát triển vào chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã, tích hợp các chức năng (y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản, cộng tác viên chữ thập đỏ…) đối với nhân viên y tế cộng đồng.

Ứng dụng công nghệ thông tin: Sợi dây gắn kết

- Thời gian tới ngành y tế sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ tại các trạm y tế xã. Phó giáo sư có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Thời gian tới, ngành y tế sẽ đẩy mạnh việc tăng cường mối liên kết chặt chẽ và lâu dài giữa người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản thông qua hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, đóng vai trò như bộ nhớ của hệ thống y tế, được lưu giữ lâu dài và cập nhật thường xuyên về sức khỏe của từng cá nhân.

Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc cung ứng dich vụ y tế có chất lượng cho người dân, thông qua mô hình khám chữa bệnh từ xa cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ kỹ thuật từ tuyến trên (Mô hình 1-4-4-2: 1 thầy thuốc tuyến Trung ương hỗ trợ ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã).

Ngoài ra, phải đảm bảo sự hỗ trợ bền vững về tài chính cho y tế cơ sở thông qua cơ chế cung ứng dịch vụ được bảo hiểm y tế hay ngân sách nhà nước thanh toán. Điều này có nghĩa cần điều chỉnh bổ sung các gói dịch vụ cơ bản hiện có và thiết kế các gói dịch vụ cơ bản mới để bao quát toàn bộ các chức năng mong muốn của trạm y tế xã cũng như điều chỉnh mức thanh toán theo hướng tạo lợi thế cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cung ứng tại tram y tế xã; Tăng mức trần thanh toán dịch vụ cung ứng tại trạm y tế xã cũng như tăng tỷ lệ đồng chi trả đối với các dịch vụ tương tự cung ứng ở tuyến trên.

Bên cạnh đó, y tế tư nhân cần được coi là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của hệ thống y tế. Việc định hướng, huy động sự tham gia của y tế tư nhân vào việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần được chú trọng. Chẳng hạn như sự tham gia của hệ thống nhà thuốc tư nhân trong việc tư vấn sức khỏe, sàng lọc một số bệnh không lây nhiễm; khuyến khích đội ngũ bác sỹ hưu trí cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã, phòng khám/bệnh viện tư nhân khám sức khỏe định kỳ được bảo hiểm y tế thanh toán…

Bộ Y tế cũng sẽ để xuất xây dựng hệ thống quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và từng bước gắn chất lượng dịch vụ cung ứng với các khuyến khích đủ mạnh về tài chính như mức thanh toán bảo hiểm y tế, tiền thưởng…

- Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục