Từ ngày 30/9, khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An nới lỏng giãn cách, người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành phố này trở về địa phương với số lượng lớn.
Riêng từ 4 giờ sáng 3/10, hàng ngàn người từ hướng Thành phố Hồ Chí Minh liên tục về địa bàn thành phố Sóc Trăng.
Lãnh đạo Sóc Trăng đã huy động các lực lượng công an, quân sự, các tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trật tự thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cũng có mặt từ sáng sớm để chỉ đạo việc này.
Do người dân về quá đông, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho các lực lượng phối hợp hướng dẫn đưa người dân vào khu Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, tại thành phố Sóc Trăng để phân loại theo địa phương các huyện, thị, thành phố, sau đó các địa phương cho người lên tiếp nhận người dân, cùng với lực lượng phối hợp của tỉnh đưa người dân về từng địa phương.
Những người dân khó khăn được lực lượng hỗ trợ đồ ăn, nước uống; xe hết xăng, sắp hết xăng được lực lượng tiếp tế hỗ trợ đổ xăng thêm…
Đến khoảng 10 giờ sáng nay, số người dân từ các nơi về quê đã được phân loại đưa về quê gần hết, ước tính tổng số người tập trung tại khu vực Hồ Nước Ngọt khoảng 3.000 người.
[An Giang, Bến Tre đảm bảo việc tiếp đón người dân về quê an toàn]
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thông tin trong 4 ngày qua, tỉnh ước đã tiếp nhận hơn 10.000 người dân từ các tỉnh về quê. Số lượng này gây quá tải ở các huyện, thị và nguy cơ rất lớn trong lây lan dịch trong cộng đồng. Trong khi đó, khả năng là người dân vẫn còn tiếp tục trở về tỉnh.
Trước tình hình người dân các tỉnh, thành trở về quê với số lượng lớn, khó kiểm soát được, sáng 3/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, số lượng người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân quá nhiều, đa số chưa qua xét nghiệm sàng lọc nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Đối với người dân trở về quê từ các tỉnh, thành phố khác trong những ngày qua chưa thực hiện khai báo y tế thì khẩn trương đến trạm y tế xã để khai báo y tế.
Ngoài ra, các địa phương tạm ngưng việc cấp giấy đi đường cho người dân (trừ trường hợp đặc biệt), đồng thời các giấy đi đường đã cấp sẽ hết giá trị sử dụng kể từ 9 giờ hôm nay 3/10. Công an tỉnh tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm soát để kiểm soát việc đi lại của người dân và người trở về từ vùng dịch.
Tại Kiên Giang, ngày 3/10, tỉnh tiếp tục đón khoảng hơn 1.300 công nhân từ Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… tự phát về quê bằng phương tiện xe gắn máy tại điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Sau khi tiếp nhận và làm các xét nghiệm có kết quả âm tính, lực lượng công an dẫn đoàn công nhân đưa về đến địa điểm giáp ranh của các huyện, thành phố để địa phương tiếp nhận, đưa về cách ly y tế tại hộ gia đình.
Trước đó, từ chiều 1/10 và ngày 2/10, hơn 1.700 người dân tỉnh Kiên Giang sinh sống, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… tự phát về quê bằng xe máy được Công an thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang dẫn đoàn đến địa bàn giáp ranh tỉnh Kiên Giang để bàn giao.
Tại điểm kiểm soát thuộc huyện Tân Hiệp, lực lượng làm nhiệm vụ đã bố trí thức ăn nhanh, nước uống để bà con dùng tạm sau hành trình dài. Sau khi tiếp nhận, người dân Kiên Giang sẽ được phân theo từng địa bàn để bố trí nơi nghỉ tạm thời.
Lực lượng y tế tiến hành xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, khi có kết quả âm tính thì có xe lực lượng chức năng dẫn đường đưa về ở địa bàn giáp ranh để các địa phương tiếp nhận.
Đối với các trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, lực lượng chức năng sẽ đưa về khu thu dung, điều trị của tỉnh tại Bệnh viện đa khoa cũ để tiến hành xét nghiệm RT-PCR.
Cùng thời gian trên, người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Bình Dương… tự phát về quê bằng xe máy trên tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (đoạn thuộc huyện Châu Thành) và trên tuyến Quốc lộ 61 (đoạn giáp giữa tỉnh Kiên Giang với tỉnh Hậu Giang) cũng được lực lượng Công an và chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời.
Những người tự về quê bằng xe máy đa số có hoàn cảnh khó khăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các nhà máy, công ty đóng cửa…, họ bị mất việc làm.
Để đảm bảo an toàn cho bà con và hạn chế nguy cơ lây lan cộng đồng, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo bố trí lực lượng túc trực tại các chốt cửa ngõ vào tỉnh để làm các thủ tục tiếp đón người dân./.