Sóc Trăng: Hơn 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn 2016-2023

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030, hằng năm có khoảng 1.000-1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tham gia chương trình du học sinh vừa học vừa làm.

Thanh niên vùng dân tộc thiểu số Sóc Trăng tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động. (Ảnh: Tuấn Phi/ TTXVN)
Thanh niên vùng dân tộc thiểu số Sóc Trăng tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động. (Ảnh: Tuấn Phi/ TTXVN)

Tỉnh Sóc Trăng có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 30%.

Giai đoạn 2016-2023, tỉnh có hơn 2.500 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân mỗi năm có trên 400 người xuất khẩu lao động.

Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, phát triển về số lượng, chất lượng và thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số.

Thu nhập ổn định ở mức cao

Tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), gần 5 năm qua, địa phương đã có hàng trăm lao động làm việc có thời hạn tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia.

Lao động làm việc tại nước ngoài đã nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, có thu nhập cao, góp phần ổn định đời sống và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Anh Danh Tăng (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cho hay, sau 3 năm lao động với ngành nghề cơ khí ở Nhật Bản, khi về lại Việt Nam, anh tích luỹ được trên 700 triệu đồng.

Ngoài số tiền mang về, trình độ tay nghề về cơ khí của anh cũng được nâng cao hơn. Hiện anh Tăng đã mở cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực này ở địa phương với thu nhập trung bình trên 15 triệu đồng/tháng, từ đó đời sống gia đình anh đã ổn định.

Gia đình ông Huỳnh Văn Anh (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm) trước đây thuộc diện hộ nghèo, khó khăn ở địa phương, nhưng từ khi con trai lớn của ông là anh Huỳnh Văn Khang đi làm việc ở Nhật Bản, đời sống gia đình đã từng bước ổn định.

Theo ông Huỳnh Văn Anh, sau thời gian 3 năm con trai ông làm việc ở nước ngoài trở về, gia đình ông tích lũy được trên 600 triệu đồng, mua được ruộng đất để sản xuất, xây dựng nhà cửa khang trang. Dự kiến đầu năm 2024, con trai ông tiếp tục đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản với thời gian 5 năm.

Cũng như một số lao động khác cùng địa phương, sau khi tốt nghiệp trung cấp cơ khí, do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên anh Huỳnh Chánh Tính (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) đã đăng ký xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Theo anh Tính, lúc đầu khi sang Nhật Bản, công việc còn bỡ ngỡ, nhưng được sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản nên anh quen việc dần và ổn định. Trong thời gian 3 năm xuất khẩu lao động, mỗi năm anh tích cóp được trên 200 triệu đồng gửi về Việt Nam phụ giúp gia đình.

Giải quyết việc làm và giảm nghèo hiệu quả

Theo ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), năm 2023, thị xã đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Sóc Trăng tổ chức 39 phiên tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm ở nước ngoài, với 4.548 người độ tuổi lao động tham dự; qua đó, có 88 lao động có nhu cầu tìm hiểu, tham gia lao động ngoài nước. Trong năm 2023, thị xã có 35 lao động đi làm việc có thời hạn tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia.

ttxvn-1612soctrang2-2897.jpg

Để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp các ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các xã, phường tổ chức rà soát nhu cầu của lao động để tư vấn, định hướng cho người lao động.

Ngoài ra, Phòng triển khai tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023, của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Đặc biệt, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí ban đầu (tiền đào tạo ngoại ngữ, chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian học, chi phí khám sức khỏe,…) khi đăng ký làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong cho biết đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị xã Ngã Năm tiếp tục tuyên truyền, tư vấn người lao động tham gia thị trường có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập hộ gia đình và thoát nghèo bền vững.

Thị xã tăng cường triển khai các chương trình vay vốn từ nguồn ngân sách tỉnh theo Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023, của HĐND tỉnh về hỗ trợ nguồn vốn chi phí ban đầu cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm Sóc Trăng, công ty, doanh nghiệp tham gia kết nối việc làm ngoài nước.

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến cuối tháng 11/2023, tỉnh có 449 trường hợp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh.

Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2025-2030, hằng năm có khoảng 1.000-1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tham gia chương trình du học sinh vừa học vừa làm.

Năm 2023, tổng kinh phí thực hiện công tác đưa người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh vừa học vừa làm trên 81 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh là 30,4 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 50,8 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng khẳng định việc xuất khẩu lao động và đưa du học sinh sang học tập và làm việc nước ngoài phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đây là cơ hội cho người lao động có thêm kỹ năng, tác phong tốt để tiếp tục đóng góp trong phát triển kinh tế gia đình và giúp cho tỉnh Sóc Trăng có nguồn lao động có trình độ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục