Tỉnh Sóc Trăng vừa triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa cho các địa phương trọng điểm đã có phong trào chăn nuôi bò sữa khá mạnh, với tổng nguồn vốn gần 290 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước là hơn 40 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ưu đãi và nhân dân tự đầu tư.
Các địa phương thực hiện dự án trên gồm các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành và địa bàn vùng ven thành phố Sóc Trăng.
Theo ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, dự án nhằm chuyển từ hình thức chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ sang nông hộ, phấn đấu đến năm 2020 bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 đến 6 con bò sữa trở lên; tăng đàn bò sữa từ 4.700 con hiện nay lên đạt khoảng 17.800 con vào năm 2020. Giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động. Đến năm 2020, trên 80% hộ chăn nuôi bò sữa có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.
Dự án được xây dựng hình thành trên mô hình lấy Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth đang hoạt động hiệu quả (tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề) để triển khai nhân rộng. Hợp tác xã này cũng đã cam kết khi địa phương nào có sản lượng sữa đạt bình quân 1 tấn/ngày, Hợp tác xã sẽ đặt điểm thu mua, nếu chưa đạt sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thu mua hết lượng sữa của người chăn nuôi.
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth cho biết cần xác định cụ thể đối tượng nuôi, từ đó tiến hành xây dựng vùng trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật nuôi. Đối với các vùng nuôi mới, nông dân nên tham gia vào Tổ hợp tác để có đầu ra thuận tiện; đồng thời, địa phương tìm nguồn lực để đào tạo trở thành giảng viên nông dân tương lai giúp nông dân xây dựng tổ hợp tác vững mạnh.
Giải pháp để thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa thành công theo hướng bền vững trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn cho bò và đầu ra tiêu thụ sữa cho nông dân đã được ngành nông nghiệp Sóc Trăng và các địa phương thảo luận kỹ.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng, diện tích trồng cỏ trong tương lai sẽ tăng theo kế hoạch phát triển đàn bò sữa của tỉnh, trung bình 12-13 con phải có 1ha đất trồng cỏ cho bò, do đó, tỉnh cần có chủ trương chuyển một phần đất trồng lúa và tận dụng những diện tích đất kém hiệu quả đối với cây trồng khác để trồng cỏ cho bò.
Phong trào chăn nuôi bò sữa tại Sóc Trăng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây và cho thấy hiệu quả là khá cao, nhiều hộ nhờ chăn nuôi bò sữa mà đã thoát nghèo, đặc biệt phong trào nuôi bò sữa phát triển mạnh ở vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng.
Nhiều hộ chỉ với một con bò cho sữa nhưng mỗi ngày cho từ 10-15 lít sữa, với mức giá khoảng 12.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100.000 đồng, mức thu nhập như vậy là đã thoát nghèo, có hộ còn mở rộng tăng đàn lên vài con đến cả chục con nên đời sống được cải thiện đáng kể./.