Sóc Trăng: 2,5 tỷ đồng khắc phục đê biển vỡ

Sóc Trăng chi 2,5 tỷ đồng khắc phục đoạn đê biển bị vỡ

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết sẽ xuất ngân sách 2,5 tỷ đồng để khắc phục đoạn đê bị vỡ, làm bờ kè cho kiên cố.
Sóc Trăng chi 2,5 tỷ đồng khắc phục đoạn đê biển bị vỡ ảnh 1Khắc phục sự cố vỡ đê bao ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 31/3, trong chuyến khảo sát, khắc phục đoạn đê biển bị vỡ do triều cường mới xảy ra tại thị xã Vĩnh Châu vừa qua, ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiếp tục rà soát, gia cố và khắc phục các điểm đê biển xung yếu để tránh tình trạng vỡ đê biển như đã xảy ra hồi giữa tháng 3.

Để nâng cấp, gia cố chắc chắn đoạn đê bị vỡ mới đây, đảm bảo an toàn tính mạng và hoa màu của người dân ven biển Vĩnh Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết trước mắt tỉnh sẽ xuất ngân sách 2,5 tỷ đồng để khắc phục đoạn đê bị vỡ, làm bờ kè và duy tu bồi trúc lại cho kiên cố.

Về lâu dài, ngành chức năng cần có biện pháp trồng rừng, làm hàng rào chắn sóng hạn chế tác hại của sóng biển và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Trước đó, do triều cường dâng cao vào đêm 17/3, kết hợp với gió to, sóng lớn đập vào đã làm vỡ đoạn đê biển khoảng 3 mét và sạt lở đoạn thân đê kéo dài hơn 10 mét ở ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu.

Đây là đoạn đê biển xung yếu trên tuyến đê biển của thị xã Vĩnh Châu đang bị biển xâm thực nặng vào tận chân đê, cuốn trôi dãy rừng phòng hộ bên ngoài.

Theo lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu, từ tháng 8/2013 đến nay, thị xã Vĩnh Châu đã 4 lần gia cố nhưng đoạn đê này vẫn bị vỡ do không còn rừng phòng hộ che chắn phía ngoài và không chịu đựng được sức mạnh của sóng biển.

Ông Phan Thanh Hiếu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Vĩnh Châu cho biết thị xã Vĩnh Châu có hơn 52km đê biển. Do ảnh hưởng biển xâm thực nên toàn tuyến hiện có 7 đoạn đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ khi triều cường, sóng lớn. Việc khắc phục, gia cố bằng cừ tràm, kè đá để giữ lại thân đê chỉ mang tính tạm thời.

Về lâu dài, Vĩnh Châu đang tích cực tổ chức các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ chắn sóng ngoài đê.

Thị xã Vĩnh Châu kiến nghị tỉnh, Trung ương cần sớm tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến đê biển để bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân trước tình trạng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng ngày càng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục