Các sọc của ngựa vằn giúp chúng tránh khỏi sự tấn công của ruồi tsetse và các côn trùng hút máu khác, theo một nghiên cứu mới nhằm giải quyết cuộc tranh cãi kéo dài 140 năm qua của các nhà sinh vật học.
Từ những năm 1870, trong một cuộc tranh cãi nổ ra sau sự ra đời thuyết tiến hóa của Charles Darwin và Alfred Russel Wallace, các nhà khoa học đã luôn đối đầu ý kiến với nhau về những đường sọc trên người ngựa vằn.
Chúng có phải là cách để ngựa vằn ngụy trang, giúp ngựa vằn làm nhiễu di chuyển trước con mắt của những kẻ săn mồi như linh cẩu và sư tử trên đồng cỏ xavan hay không? Chúng có giúp ngựa vằn thoát nhiệt để cảm thấy dễ chịu hơn trong thời tiết nóng bức không?
Hay là chúng có vai trò xã hội, như là phân định những con ngựa vằn thuộc các đàn khác nhau hoặc phục vụ cho mục đích kết đôi và giao phối?
Theo một nghiên cứu mới đăng hôm thứ Ba vừa rồi trên nhật báo Nature Communications, khả năng lớn nhất là các sọc trên người ngựa vằn giúp chúng tránh khỏi sự tấn công của các loại côn trùng và ký sinh trùng hút máu.
Kết quả nghiên cứu thú vị này được đưa ra dựa trên các thử nghiệm năm 2012. Trong các thử nghiệm đó, những con ruồi hút máu tỏ ra không hứng thú với những bề mặt kẻ sọc và thích bám vào những bề mặt chỉ có một màu trơn.
Nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Tim Caro thuộc Đại học California ở Davis, cho biết chưa có một câu trả lời rõ ràng và chính xác nào cho câu đố lớn về những đường sọc của ngựa vằn, nhưng cho tới nay thì giả thuyết chống côn trùng này là hợp lý nhất.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một sự chồng chéo về nơi sống của ngựa vằn và hai loại ruồi hút máu là Tabanus và Glossina vốn thích hút máu của những loài thuộc họ ngựa để giải thích cho việc ngựa vằn cần có giải pháp bảo vệ bản thân trước chúng.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy rất ít máu ngựa vằn trong cơ thể của ruồi tsetse, mặc dù ngựa vằn có da mỏng và lông ngắn và mềm hơn hươu cao cổ hay nai sừng tấm. Ngựa vằn cũng ít bị mắc bệnh ngủ li bì, một bệnh truyền nhiễm do ruồi tsetse gây ra. Tương quan giữa các sọc và khả năng chống côn trùng hút máu ở ngựa vằn do đó là hết sức đáng kể.
Các loại côn trùng hút máu có thể truyền nhiều bệnh cho con mồi của mình, và nhu cầu hút máu của chúng cũng rất lớn. Các thử nghiệm với ruồi ngựa cho thấy chúng có thể hút từ 200-500 cm3 máu của một con bò mỗi ngày và làm con bò giảm tới 16,9kg khối lượng cơ thể chỉ trong 8 tuần./.