Sở Y tế TP.HCM thông tin về việc chậm đưa một số ca F0 đi cách ly

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, dù có một số trường hợp ca bệnh chưa được chuyển cách ly điều trị kịp thời, nhưng đối với các F0 có triệu chứng đều được ưu tiên giải quyết.
Các bác sỹ bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 4 khử khuẩn toàn thân cho nhau sau ca trực. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Các bác sỹ bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 4 khử khuẩn toàn thân cho nhau sau ca trực. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trong vài ngày gần đây, một số trường hợp phát hiện mắc COVID-19 qua test nhanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên do tình hình dịch trên địa bàn diễn biến nhanh và phức tạp nên xảy ra tình trạng chậm đưa bệnh nhân tới các khu điều trị, cách ly tập trung.

Điều này làm dấy lên lo lắng về khả năng phòng dịch của thành phố và nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này tại buổi họp báo tổ chức chiều tối 13/7, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thừa nhận có một số trường hợp mắc COVID-19 chậm được đưa đi cách ly tập trung.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, ở những đợt dịch trước, thành phố có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Số lượng này phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong tình hình dịch khi số ca nhiễm chưa tăng cao như hiện nay.

Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4, hầu hết các trường hợp nhiễm thuộc biến chủng Delta nên số ca mắc tăng lên nhanh chóng. Do đó, thành phố đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong.

Có thời điểm thành phố mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm chậm chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị.

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, dù có một số trường hợp ca bệnh chưa được chuyển cách ly điều trị kịp thời, nhưng đối với các F0 có triệu chứng đều được ưu tiên giải quyết.

[Việt Nam ghi nhận 2.301 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 13/7]

Quan điểm của thành phố là không để chậm trễ quá trình chuyển bệnh nhân đã có xét nghiệm dù là xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR.

Tại buổi họp báo, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng cho rằng, việc một số ca F0 chậm đưa đi điều trị có thể xảy ra, nhưng không phải là chủ trương của thành phố.

Đợt dịch này bùng phát rất phức tạp, có nhiều vấn đề phát sinh, vừa phải nhận diện vừa phải đối phó nên không tránh khỏi chệch choạc, bất cập. Do đó, các trường hợp chưa triển khai đúng theo quy định được phản ánh sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.

Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. Cả 24 bệnh viện này có công suất lên tới 44.890 giường. Năng lực điều trị các ca mắc COVID-19 theo đó dự kiến sẽ đáp ứng tốt hơn so với thời điểm trước đó.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có ý kiến ủng hộ giải pháp cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Đại diện Sở Y tế thành phố cho biết, trong thời gian tới, nếu Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thí điểm, ngành y tế thành phố sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ.

Hiện trên địa bàn thành phố có nhiều trường hợp F0 không có triệu chứng điển hình hoặc triệu chứng nhẹ, thành phố sẽ tiến hành phân tầng điều trị. Theo đó, những ca F0 không có triệu chứng sẽ điều trị nơi ít trang thiết bị hơn để tập trung cơ sở y tế cho các trường hợp nặng.

Hiện ngành y tế cũng đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố triển khai ứng dụng phần mềm giám sát việc tuân thủ thời gian cách ly tại nhà của bệnh nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục