Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Hội đồng quốc gia các bác sỹ (CNOM) vừa công bố báo cáo cho thấy năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp số lượng các vụ tấn công nhân viên y tế đã đạt mức kỷ lục.
Theo đó, 1.035 người đã bị tấn công trong năm 2017, so với 638 người vào năm 2003, năm đầu tiên thực hiện bản báo cáo này.
Các cuộc tấn công phần lớn được ghi nhận tại các trung tâm thành phố (53%), sau đó là vùng ngoại ô (21%) và nông thôn (13%).
Các cuộc tấn công bằng lời nói-lăng mạ, đe dọa, quấy rối, thường xảy ra nhiều nhất và chiếm đến 62% tổng số vụ việc. Tuy nhiên, 75 cuộc tấn công bằng vũ lực cũng được ghi nhận, thậm chí có cả tấn công tình dục. Trong số các nạn nhân, có 61% là bác sỹ đa khoa. Các bác sỹ nữ bị tấn công chiếm đến 51% trường hợp.
Bên cạnh đó, việc trộm cắp các toa thuốc cũng gia tăng.
[Bộ trưởng Y tế trải lòng trước việc nhân viên liên tiếp bị hành hung]
Đối mặt với sự bùng nổ bạo lực này, CNOM kêu gọi chính phủ hành động quyết liệt và đưa vào triển khai một ứng dụng kỹ thuật số của Israel mang tên Reporty.
Công nghệ này cho phép các bác sĩ bí mật cảnh báo và ghi lại các hình ảnh và âm thanh, mà không xuất hiện trên màn hình của điện thoại di động.
Theo ông Hervé Boissin, điều phối viên an ninh của CNOM, Hội đồng đang chờ chính phủ "bật đèn xanh" cho việc áp dụng công nghệ này.
Tuy nhiên, theo nhiều bác sỹ, giải pháp này tốt nhưng chưa đủ. Một trong những vấn đề là các bác sỹ bị tấn công không dám đưa đơn kiện, do lo sợ nguy cơ kẻ tấn công có thể quay lại phòng khám quấy nhiễu để trả thù.
Theo thống kê của CNOM, trong năm 2017, chỉ có 38% số vụ việc được đưa ra khởi kiện tại tòa án./.