Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 19/9, số vụ cháy rừng Amazon ở Brazil từ đầu năm đến trung tuần tháng 9/2022 đã vượt tổng số vụ cháy rừng của cả năm 2021.
Cơ quan Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE) thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil cho biết từ ngày 1/1 đến 17/9 vừa qua, vệ tinh đã phát hiện 75.592 đám cháy tại rừng Amazon, cao hơn con số 75.090 đám cháy được phát hiện trong cả năm 2021.
Đây là mức báo động mới đối với khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, một vùng đệm quan trọng chống lại sự ấm lên toàn cầu. Diện tích rừng Amazon bị phá ở Brazil trong tháng trước cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 1.661 km2.
Giới chuyên gia cho biết nguyên nhân gây ra các đám cháy ở Amazon chủ yếu là do nông dân, chủ trang trại và các đối tượng khác dọn đất và đốt cây bất hợp pháp.
Người phát ngôn của Tổ chức Hòa bình xanh Brazil Andre Freitas gọi những số liệu vừa được công bố là "thảm kịch được báo trước." Điều này cũng chất thêm những quan ngại về sự tồn tại của khu rừng vốn được coi là "lá phổi xanh" của Trái Đất.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí ôxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.
[Brazil: Rừng Amazon tiếp tục bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng]
Các tổ chức bản địa đại diện cho hơn 500 bộ lạc sinh sống tại lưu vực sông Amazon đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ lâu dài 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025.
Tuy nhiên, một nghiên cứu quy mô được các nhà khoa học và các tổ chức bản địa thực hiện đã kết luận rằng sự tàn phá môi trường ở các khu vực của rừng Amazon đã chạm tới "điểm tới hạn" và có thể không bao giờ phục hồi được.
Các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Thông tin môi trường-xã hội tham chiếu địa lý vùng Amazon (RAISG) đã phối hợp với điều phối viên của các tổ chức bản địa của lưu vực sông Amazon (Coica) để thực hiện nghiên cứu mang tên "Amazonia Against the Clock" ("Lưu vực sông Amazon chạy đua với thời gian"), một trong những nghiên cứu lớn nhất cho đến nay với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ tất cả 9 quốc gia và vùng lãnh thổ nơi rừng Amazon bao phủ.
Nghiên cứu phát hiện rằng chỉ có Suriname và vùng lãnh thổ Guiana thuộc Pháp là có ít nhất 50% diện tích rừng còn nguyên vẹn.
Nghiên cứu khuyến nghị để bảo tồn rừng Amazon đòi hỏi sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa chính phủ các nước trong khu vực, các tổ chức tài chính quốc tế và các công ty cổ phần tư nhân nắm giữ phần lớn các khoản nợ của các quốc gia ở lưu vực Amazon./.