Số trẻ em trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng gay gắt vào những năm 2050 sẽ tăng lên gấp 8 lần. Trong khi đó, số trẻ đối mặt với lũ lụt sẽ tăng gấp 3 lần so với những năm 2000 nếu tình trạng thời tiết như hiện tại tiếp diễn, theo Liên Hợp Quốc.
Số trẻ em phải đối mặt với cháy rừng cũng được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi, trong khi nhiều em khác sẽ trải qua hạn hán và các cơn bão nhiệt đới, báo cáo thường niên về tình trạng trẻ em trên thế giới cho biết.
Trên phạm vi toàn cầu, ngày càng nhiều trẻ em sẽ phải trải qua các cuộc khủng hoảng môi trường và khí hậu khắc nghiệt trong giai đoạn những năm 2050. Đông và Nam châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc, Tây và Trung Phi là những khu vực có sự gia tăng lớn nhất về số trẻ em chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng cực đoan. Lũ lụt cũng sẽ ảnh hưởng đến trẻ em ở các khu vực tương tự.
Báo cáo được công bố nhân Ngày Trẻ em Thế giới dự báo các cuộc khủng hoảng khí hậu, sự chuyển biến về nhân khẩu học (Vùng cận Sahara ở châu Phi và Nam Á dự kiến sẽ có lượng dân số là trẻ em lớn nhất vào những năm 2050) cũng như các công nghệ đột phá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em trong tương lai.
Báo cáo cho biết các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại cả lợi ích lẫn rủi ro cho trẻ em, những người hiện đang tương tác với AI thông qua các ứng dụng, trò chơi và các phần mềm học tập. Tuy nhiên, khoảng cách số vẫn còn lớn. Vào năm 2024, gần 95% người dân ở các quốc gia thu nhập cao có kết nối Internet, trong khi con số này chỉ khoảng 25% ở các quốc gia thu nhập thấp.
Phần lớn trọng tâm của báo cáo là tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với trẻ em, gần một nửa trong số đó (xấp xỉ 1 tỷ) đang sống ở các quốc gia có nguy cơ cao về thiên tai.
Ngay từ khi chưa chào đời, não bộ, phổi và hệ miễn dịch của trẻ đã dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt. Khi lớn lên, giáo dục, dinh dưỡng, sự an toàn và sức khỏe tinh thần của các em đều bị ảnh hưởng bởi khí hậu và môi trường.
Cuộc khủng hoảng khí hậu khiến nhiều trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Nhiệt độ trung bình tăng đã làm gia tăng số lượng muỗi và nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, Zika và virus Tây sông Nile.
Thời tiết cực đoan có thể khiến trẻ em không được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, trong khi các hiện tượng như lốc xoáy, bão, lũ lụt, nắng nóng và động đất liên quan đến hàng loạt vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và trầm cảm.
Ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi và liên quan đến 709.000 ca tử vong ở trẻ em trong độ tuổi này vào năm 2021, theo Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu năm 2024.
Ngân hàng Thế giới gần đây gọi những tác động giáo dục của khủng hoảng khí hậu là “quả bom hẹn giờ về kinh tế”, vì các biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc học của trẻ em, dẫn đến tình trạng nghỉ học và làm gia tăng khoảng cách về giáo dục trên toàn cầu. Từ năm 2022, hơn 400 triệu học sinh trên thế giới đã phải nghỉ học do thời tiết khắc nghiệt.