Sổ tiết kiệm 'bốc hơi' cả trăm tỷ: Liệu có lỗ hổng trong ngân hàng?

Các chuyên gia cho rằng, nếu sổ tiết kiệm bị "bốc hơi thì bất luận thế nào thì về mặt pháp lý, ngân hàng đều phải có trách nhiệm trước quyền lợi của người gửi tiền.
Sổ tiết kiệm 'bốc hơi' cả trăm tỷ: Liệu có lỗ hổng trong ngân hàng? ảnh 1Thời gian gần đây một số khách hàng tố cáo bị mất tiền trong sổ tiết kiệm. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)


Trong thời gian vừa qua, liên tục có những vụ "bỗng dưng" khách hàng bị mất tiền ở sổ tiết kiệm mà không hề giao dịch. Đặc biệt, thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến người gửi tiền khiến niềm tin vào sự an toàn của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vụ mất tiền “khủng” nhất phải kể đến việc một khách hàng thuộc diện “VIP” tại Eximbank. Tháng 2/2018, ông Lê Nguyễn Hưng, lúc đó là Phó Giám đốc chi nhánh Eximbank Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xin nghỉ việc và xuất cảnh ra nước ngoài. Bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú nghi ngờ nên tiến hành kiểm tra số dư các sổ tiết kiệm thì tá hỏa phát hiện số tiền 245 tỷ đồng của mình đã bị “bốc hơi.” Ngay lập tức bà Bình đã làm việc với ngân hàng Eximbank đồng thời tố cáo vụ việc đến Bộ Công an.

[Ngân hàng Nhà nước trả lời về 3 ngân hàng 0 đồng, sổ tiết kiệm bốc hơi]


Hay như sự việc 17 sổ tiết kiệm gần 500 tỷ đồng "bốc hơi' sau 5 năm gửi tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng. Sự việc bắt nguồn từ năm 2012, khi đó 17 khách hàng đến OceanBank Hải Phòng trên đường Tô Hiệu để gửi tiết kiệm. Nhận sổ tiết kiệm từ ngân hàng, các khách hàng đã kiểm tra đối chiếu số tiền ghi trước khi mang về nhà cất giữ. Tuy nhiên, sau 5 năm, đầu tháng 9/2017, họ đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, gần 500 tỷ đồng không có trong hệ thống.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ tiền trong sổ tiết kiệm bỗng nhiên bị “biến mất” xảy ra thời gian gần đây tại các ngân hàng. Cả hai vụ việc này đến nay ngân hàng vẫn đang đợi phán quyết của tòa án nên chưa hoàn tiền cho khách hàng. Câu hỏi đặt ra là liệu gửi tiền vào ngân hàng có thật sự an toàn?

Lỗ hổng trong quản lý

Ngoài vụ việc gây chấn động dư luận của khách VIP Chu Thị Bình thì tại Eximbank, còn có một vụ khác gây hoang mang lo lắng trong dư luận không kém. Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, Nguyễn Thị Lam, nguyên cán bộ ngân quỹ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương chi nhánh Nghệ An đã giả mạo chữ ký chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của khách hàng.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến 2016, Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối họ ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, nữ nhân viên phòng giao dịch Đô Lương dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống.

Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp Lam giả mạo chữ ký của khách hàng sau đó cầm đưa đến cho nhân viên ngân hàng nói dối là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng.

Ngoài ra, còn nhiều vụ việc tiền tiết kiệm “không cánh mà bay” đã bị khách hàng tố cáo như: khách hàng mất 32 tỷ đồng tại BIDV, khách hàng ở VietABank mất 43 tỷ đồng, khách hàng mất 9 tỷ đồng tại Ngân hàng Quốc Dân…

Đến thời điểm này, một số cá nhân có liên quan của hai vụ việc tại Eximbank đã bị khởi tố hoặc tạm giam trong quá trình điều tra. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết trong thời gian qua, nhà băng cũng đã luôn tích cực làm việc với khách hàng và cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ vụ việc.

Trong đó, đối với vụ việc tại phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Eximbank Vinh đã được Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An thụ lý và đưa ra xét xử. Ngày 16/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án, tuy nhiên, do một số người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt, nên tòa đã quyết định hoãn xét xử. Trước đó, ngày 26/4, vụ án này cũng bị hoãn xét xử theo đề nghị của phía Eximbank.

Đối với vụ việc tại chi nhánh Eximbank Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang trong quá trình điều tra và đã khởi tố 5 nhân viên Eximbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến vụ mất tiền của khách hàng Chu Thị Bình, trong đó có hai trường hợp bị bắt giam. Riêng ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Những vụ việc diễn ra liên tục khiến nhiều ý kiến đặt ra lo ngại những vụ mất tiền như trên sẽ còn tiếp diễn khi pháp luật và cơ chế tại các ngân hàng chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng chặt chẽ, nhưng khi gửi tiền, khách hàng chỉ nhận được sổ tiết kiệm đơn giản, không có điều khoản bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Ngoài ra, có chuyên gia còn nhận định, hệ thống pháp luật về tổ chức tín dụng và cơ chế hoạt động của ngân hàng còn nhiều “lỗ hổng”, khiến các cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu tạo được nhiều phương thức “lách luật” để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Tất cả những vụ việc nêu trên cho thấy, sai phạm cố ý của chính cán bộ ngân hàng là một nguyên nhân thường trực gây nên hậu quả rủi ro từ các giao dịch tiền gửi. Ngân hàng không thể lơ là được yếu tố này và chỉ có thẳng thắn nhìn nhận đây là một nguy cơ tiềm ẩn, thì việc quản lý rủi ro mới có hiệu quả.

Một luật sư công tác tại Hà Nội cho rằng, nếu như tiền gửi của khách hàng đã được nhập vào hệ thống dữ liệu thông tin của ngân hàng, sau đó cán bộ ngân hàng dùng các thao tác nghiệp vụ trái quy trình, cố ý xâm phạm tài khoản tiền gửi, chiếm đoạt tiền gửi thì đương nhiên ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi cho khách hàng của mình.

Còn luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico khẳng định, nếu ngân hàng làm đúng 100% thì không bao giờ tội phạm lấy được tiền từ ngân hàng, dù khách có mất sổ tiết kiệm hay đưa chứng minh nhân dân cho cán bộ ngân hàng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia và ngay cả cán bộ ngân hàng cũng thừa nhận việc một số khách hàng ưu tiên (khách VIP) tự cho mình quyền nghiễm nhiên được cán bộ ngân hàng chăm sóc đặc biệt đã dẫn đến sơ hở, tạo lòng tham cho chính một số cán bộ ngân hàng. Đây chính là mặt trái của dịch vụ ngân hàng trong thời gian gần đây.

Cán bộ tại một ngân hàng trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cho rằng, những vụ mất tiền trong sổ tiết kiệm đa số là của khách hàng lớn. Những khách hàng này được chăm sóc rất đặc biệt, được ngân hàng cử cán bộ đến tận nhà làm mọi thủ tục.

“Có thể những khách hàng này bận nhiều việc, cũng có thể họ sợ mang tiền đi đường không an toàn nên chọn cách được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, để được phục vụ những vị khách này, chúng tôi đã phải rất kiên trì, có khi phải chăm sóc cả vài năm mới được họ chú ý đến,” anh cán bộ ngân hàng trên chia sẻ.

Anh cán bộ chia sẻ thêm, chính vì đã có sự tin tưởng lẫn nhau nên nhiều khách hàng VIP đã giao toàn quyền của mình như ký khống một số giấy tờ hoặc ủy quyền chữ ký tươi cho cán bộ ngân hàng, thậm chí có khách hàng còn giao hẳn cho lãnh đạo chi nhánh ngân hàng toàn quyền quyết định trong mọi giao dịch chuyển tiền. Có những giao dịch lên đến 30 tỷ đồng.

Sổ tiết kiệm 'bốc hơi' cả trăm tỷ: Liệu có lỗ hổng trong ngân hàng? ảnh 2Các chuyên gia cho rằng nếu ngân hàng làm đúng 100% thì không bao giờ tội phạm lấy được tiền. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)


Ai chịu trách nhiệm?


Rõ ràng, những mất mát hàng tỷ đồng khiến nhiều ngân hàng chới với vì bị mất niềm tin từ trước đến nay hầu hết là do rủi ro đạo đức liên quan trực tiếp cán bộ ngân hàng. Thiệt hại có khác nhau, phương pháp và tính chất sai phạm cũng khác nhau nhưng chung quy là do chủ ý làm sai của một hoặc nhóm đối tượng.

Một chuyên gia cho rằng, khách hàng gửi tiết kiệm vì tin tưởng vào thương hiệu, uy tín của ngân hàng. Họ đến trụ sở ngân hàng vì muốn giao dịch với ngân hàng chứ không phải giao dịch với cá nhân cán bộ ngân hàng. Bất luận thế nào thì về mặt pháp lý, ngân hàng đều phải có trách nhiệm trước quyền lợi của người gửi tiền.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm, vì tất cả đều là cán bộ của ngân hàng, là người của pháp nhân, khách hàng giao dịch chỉ biết tin vào cán bộ ngân hàng với quy trình, uy tín ngân hàng.

“Ngân hàng phải bảo vệ khách hàng của mình tuyệt đối, trong mỗi sự việc mất tiền, khách hàng có lỗi 1 thì ngân hàng có lỗi 10, vì khách hàng chỉ biết làm việc với ngân hàng, không biết làm việc với ai, cá nhân, danh tính ra sao,” ông Đức khẳng định.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra giả thuyết, nếu khách hàng không cấu kết với cán bộ ngân hàng cũng như không tạo điều kiện cho tội phạm phát sinh thì ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc mất tiền và phải bồi thường toàn bộ số tiền cho khách hàng sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, nếu khách hàng đã ký giấy ủy quyền cho cán bộ ngân hàng để giao dịch trên danh nghĩa của khách hàng, mặc dù người cán bộ này phải chịu trách nhiệm cho hành vi bất hợp pháp của họ nhưng khách hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi đã không tìm hiểu kỹ người được ủy quyền.

Mất bò mới lo làm chuồng

Sau hàng loạt vụ khách hàng liên tục “tố” mất tiền trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng, lúc này Ngân hàng Trung ương và một loạt nhà băng mới đưa ra các thông tin khuyến cáo hướng dẫn khách hàng cách kiểm soát tài chính thông qua các dịch vụ tiện ích, thông minh.

Ngân hàng Nhà nước thì có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động và xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Còn Eximbank - nhà băng xảy ra nhiều vụ “lùm xùm” nhất - cũng đã ban hành công văn bổ sung quy định đăng ký xác thực bằng vân tay khi lập văn bản ủy quyền áp dụng đối với khách hàng cá nhân. Theo đó khi khách hàng lập văn bản ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về ủy quyền thì chi nhánh, phòng giao dịch phải yêu cầu người ủy quyền và người được ủy quyền đăng ký xác thực bằng vân tay của Eximbank.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng sẽ luân chuyển cán bộ phụ trách hồ sơ khách hàng, kiểm soát viên phê duyệt trong cùng chi nhánh, phòng giao dịch. Triển khai cơ chế giám đốc lưu động để điều hành thay giám đốc chi nhánh hiện hữu trong một thời gian nhất định nhằm kiểm tra, phát hiện các sai sót trong quá trình hoạt động của chi nhánh để chấn chỉnh kịp thời.

Các ngân hàng khác như VietinBank, Maritime Bank, Sacombank, VietABank, LienVietPostBank… cũng đã nhanh chóng cho ra mắt các ứng dụng giúp khách hàng dễ dàng tra cứu tình trạng sổ tiết kiệm một cách thuận tiện. Khách hàng chỉ cần nhập số số tiết kiệm hoặc số tài khoản, chứng minh thư, mã xác thực là các thông tin trên sổ tiết kiệm của mình sẽ được hiển thị trên màn hình.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc được chủ động theo dõi, quản lý số dư tài khoản ngân hàng sẽ giúp khách hàng an tâm và kiểm soát tốt tài chính của mình, đặc biệt đối với khách hàng có các khoản tiền gửi tiết kiệm.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn cho hệ thống thì ngân hàng thương mại nên xem việc thông báo biến động tài khoản là trách nhiệm của mình chứ không cần chờ đến khách hàng đăng ký để lấy phí dịch vụ.

Để hạn chế việc “bỗng dưng mất tiền tại sổ tiết kiệm”, cả ông Hiếu và luật sư Đức đều cho rằng, khách hàng hãy đến các điểm giao dịch của ngân hàng trong giờ làm việc; tránh việc cán bộ ngân hàng đến tư gia hay địa điểm ngoài ngân hàng để giao dịch. Không ký khống vào bất cứ mẫu biểu nào của ngân hàng. Chỉ ủy quyền cho người đáng tin cậy và kiểm soát "sau" những giao dịch mình đã ủy quyền. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình qua tất cả những phương tiện công nghệ kỹ thuật số mà ngân hàng cung cấp (Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục