Trong những ngày cuối tháng 4/2020, cả thế giới cùng hướng về nước Nga để kỷ niệm ngày sinh Vladimir Ilych Lenin (22/4/1870-22/4/2020) - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Marx trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; người sáng lập Nhà nước XôViết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lenin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lenin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, tiến tới xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Nhân dịp này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có hai bài viết đánh giá sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lenin về cách mạng giải phóng dân tộc vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết.
Bài 1: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lenin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Tại Đại hội II (1920) Quốc tế Cộng sản, V.I.Lenin đã trình bày “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa."
Bản sơ thảo gồm 12 luận điểm, trong đó, vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Quốc tế Cộng sản và V.I.Lênin thừa nhận “như là sự mở rộng của nguyên tắc liên minh công nông trên quy mô toàn thế giới."
Trong "Sơ thảo luận cương," V.I.Lenin chỉ rõ ở các nước tư bản đang thống trị các dân tộc lạc hậu, thuộc địa, giai cấp vô sản phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa.
Các nhà cách mạng ở chính quốc và thuộc địa phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Các đảng cộng sản ở chính quốc và cả thuộc địa “cần phải thi hành một chính sách thực hiện sự liên minh chặt chẽ nhất của tất cả các phong trào giải phóng dân tộc và thuộc địa với nước Nga Xô viết."
Hơn nữa, với những nước cách mạng thành công như nước Nga, phải đóng vai trò thành trì cách mạng thế giới, phải có nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác làm cách mạng.
Đồng thời, cách mạng thuộc địa không chỉ có nhiệm vụ giải phóng nước mình khỏi ách đô hộ của nước ngoài mà cần phải đấu tranh chống lại bọn phản động trong nước vì chúng là đồng minh của chủ nghĩa đế quốc; phải chú ý đến lực lượng nông dân đông đảo, xây dựng khối liên minh công-nông; phát triển cuộc đấu tranh chống đế quốc đi đôi với chống phong kiến, hình thành phong trào dân tộc dân chủ rộng rãi.
V.I.Lenin khẳng định: “điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng."
[Tình yêu sách và ngoại ngữ của lãnh tụ vô sản Vladimir Ilyich Lenin]
Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ ràng rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra.
Kể từ đây, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin tưởng V.I.Lenin và Quốc tế Cộng sản. Có thể nói, Luận cương đã gợi mở lý luận cách mạng cho Nguyễn Ái Quốc.
Căn cứ vào tình hình thực tế lịch sử Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng cách mạng vô sản và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa là con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ con đường này chẳng những giải phóng hoàn toàn dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc, mà còn giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi mọi sự áp bức bóc lột, đưa dân tộc đến ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự.
Sự lựa chọn này vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại và thời đại mới được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Từ đây, tư tưởng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là lý luận cách mạng không ngừng của C.Mác, V.I.Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Max-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Ðảng xác định con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản."
Từ khi thành lập đến nay, Đảng đã nhất quán chủ nghĩa Marx-Lenin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin." Vì thế, Người không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Max-Lenin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và từng bước cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.