Những biện pháp đẩy mạnh thanh tra, xử phạt hành chính, hoàn thiện hồ sơ xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội đã phần nào khắc phục được tình trạng nợ các loại bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác nộp ngay khoản nợ bảo hiểm khi bị thanh tra.
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ tháng 5 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.
Nợ hơn 10.450 tỷ đồng bảo hiểm
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5, cả nước có 13,79 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240.000 người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,6 triệu người, bảo hiểm y tế là 81,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số.
Trong tháng Năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thu được 24.352 tỷ đồng, các loại bảo hiểm. Như vậy trong năm tháng đầu năm, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã thu 121.100 tỷ đồng tiền các loại bảo hiểm, đạt 36,7% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội là 83.615 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 5.631 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 31.852 tỷ đồng.
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra trên khắp cả nước. Tính đến cuối tháng 5, tổng số nợ là 10.450 tỷ đồng, chiếm 4,7% so với kế hoạch phải thu năm 2018, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Mai Đức Thắng, năm nay tình hình kinh tế khá hơn, cùng với đó nhiều biện pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội được áp dụng đã khắc phục được việc trốn đóng bảo hiểm. Lý giải về công tác thu năm tháng đầu năm mới chỉ đạt 38%, ông Thắng cho biết thường thì trong hai, ba tháng đầu năm doanh nghiệp còn tập trung trả lương, thưởng Tết kết quả thu chưa cao, tỷ lệ này cũng tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
[5 tháng đầu năm: Gần 300.000 người rời bỏ Quỹ Bảo hiểm xã hội]
Thanh tra đột xuất doanh nghiệp nợ bảo hiểm
Đối với tình hình trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng cho biết, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành.
“Chúng tôi sẽ quyết liệt thanh tra những doanh nghiệp nợ tiền từ từ 3 tháng trở lên. Đối với những doanh nghiệp nào nợ kéo dài 6 tháng thì chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đột xuất,” ông Mai Đức Thắng nhấn mạnh.
Ông Mai Đức Thắng cho rằng, các biện pháp đôn đốc đóng, thanh tra, xử lý hình sự việc trốn đóng bảo hiểm xã hội đã có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác nộp khoản nợ bảo hiểm xã hội ngay khi bị thanh tra, nhắc nhở.
Ông Mai Đức Thắng dẫn chứng: “Chúng tôi vừa thanh tra 4 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ở Ninh Binh, trong đó có 3 doanh nghiệp ngay khi nhận quyết định thanh tra đã nộp bảo hiểm ngay, còn một doanh nghiệp khó khăn thì cũng xây dựng lộ trình đóng bảo hiểm xã hội.”
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để hoàn thành công tác thu, từ nay đến cuối năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách bảo hiểm.
Cùng với thanh kiểm tra thì việc rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội trong phần mềm quản lý cũng đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh, tiến tới mục tiêu năm 2020, thực hiện quản lý sổ bảo hiểm xã hội điện tử. Với hình thức này, người lao động sẽ dễ dàng quản lý, tra cứu được quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình, rút ngắn hơn nữa quy trình, thủ tục trong giải quyết các chế độ cho người tham gia.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, cơ quan bảo hiểm xã hội đều tỏ rõ quyết tâm xử lý nợ các loại bảo hiểm. Mới đây, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa có buổi làm việc, thống nhất với các cơ quan liên ngành xem xét, củng cố hồ sơ để chuẩn bị tiến hành chuyển cơ quan Công an điều tra, xử lý hình sự đối với hai doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lớn, kéo dài, dù đã bị phạt hành chính, nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng không thực hiện trách nhiệm./.