Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, chiều tối 25/12, tại các địa phương trong tỉnh, số người dân trong kế hoạch di dời vào nơi tránh trú bão an toàn lên đến 126.300 người, tăng hơn so với kế hoạch vào sáng 25/12 là 98.000.
Hiện nay, các huyện đã và đang tiến hành di dời được 55.000 người; thực hiện chằng chống nhà cửa cho 89.361/104.074 nhà thuộc diện phải bảo vệ.
Hiện, công tác kiểm đếm, liên lạc các tàu cá đã được tỉnh Cà Mau thực hiện xong. Lực lượng chức năng đã liên lạc đầy đủ 3.465 tàu có công suất trên 20CV với 22.049 người hoạt động trên biển, kiểm đếm 888 tàu cá ven bờ và 746 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ đã vào nơi neo đậu an toàn.
Theo thống kê, tổng số tàu ngoài tỉnh đang neo đậu tại địa phương là 1.330 tàu/7.998 thuyền viên.
Song song với đó, tỉnh Cà Mau đã triển khai gia cố tạm 8 điểm sạt lở rất nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây với chiều dài trên 2.000m.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo, ngành chức năng các địa phương tiếp tục công tác kiểm tra, tăng cường quản lý các loại hàng hóa thiết yếu đảm bảo giá cả ổn định, không có tình trạng trạng găm hàng, đầu cơ chờ giá tăng để trục lợi.
Tại Long An đến 17 giờ ngày 25/12, tỉnh đã di dời an toàn hơn 1.300 người dân.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Long An cho biết đây là những người dân sống ở những nơi xung yếu, ngoài đê của các huyện Cân Đước, Cần Giược, Tân Trịu, Châu Thành...
Toàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 25 đến hết ngày 26/12; tạm ngưng hoạt động tất cả các bến phà và cầu cầu Mỹ Lợi kể từ lúc 12 giờ trưa 25/12.
Tỉnh Long An đã huy động lực lượng dân quân thực hiện chằng chống nhà cửa cho gần 1.000 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bão; huy động hơn 10 chiếc xe khách để hỗ trợ di dời dân; gia cố những đoạn đê xung yếu.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, Long An chưa có những thiệt hại về người và tài sản.
Tại Sóc Trăng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có công điện khẩn thông báo cho cán bộ công nhân viên, người lao động (trừ lực lượng trực ứng cứu phòng chống bão) được nghỉ 2 ngày từ 25 đến 26/12. Các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp bố trí lực lượng giữ gìn bảo vệ tài sản, an ninh trật tự ứng trực phòng chống bão.
Với tinh thần di dời càng nhiều dân vào nơi trú tránh an toàn càng tốt, chiều 25/12, tỉnh Sóc Trăng đã di dời được hơn 30.000 người vào hàng trăm điểm trú tránh bão an toàn, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ người dân kịp thời, cung cấp nước, thức ăn, thuốc men, khám chữa bệnh cho người bệnh tại chỗ.
Tỉnh cũng có 1.198 tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ được tránh trú tại Côn Đảo. Một số tàu trong chiều tối 24/12 đã trở về neo đậu trên sông Hậu gần cửa biển Sóc Trăng an toàn.
Liên tục từ sáng đến chiều tối 25/12, tại tỉnh Sóc Trăng có mưa lớn, mặc dù gió chưa mạnh nhưng nguy cơ ảnh hưởng do mưa lớn dông lốc, lực lượng chức năng, các đơn vị vũ trang, giao thông, thủy nội địa liên tục tuần tra, tuyên truyền người dân vùng xung yếu di dời vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết đến chiều 25/12, mọi công tác ứng phó bão số 16 tại tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành và sẵn sàng theo phương án đề ra. Tỉnh kiên quyết không để thiên tai gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản cũng như sản xuất và đời sống nhân dân.
Tiền Giang đã tổ chức sơ tán được gần 35.000 dân ven biển đến nơi an toàn, kêu gọi vào nơi tránh trú bão 1.288 phương tiện với 3.440 ngư dân.
Hiện nay, còn 70 phương tiện với 581 ngư dân đang hoạt động trên biển nhưng nằm trong vùng không nguy hiểm và vẫn giữ được liên lạc. Hiện tại chưa có sự cố về phương tiện đánh bắt liên quan đến bão số 16.
Cũng trong chiều 25/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ có công văn số 4975 yêu cầu Giám đốc Sở và Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Thủ trưởng cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện và Giám đốc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con dưới 15 tuổi đang công tác tại đơn vị được nghỉ làm việc từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12 để chăm sóc con.
Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất cũng như công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị và công tác chủ động ứng phó với bão số 16.
Trong sáng 25/12, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã kiểm tra công tác ứng cứu bão số 16 ở một số đơn vị trên địa bàn Vũng Tàu.
Ông Sang yêu cầu các đơn vị Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bảo đảm an toàn hàng hải, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để phối hợp ứng cứu tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.
Hiện nay, hơn 100 tàu neo đậu ở vùng nước Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý đã được di chuyển về khu vực neo đậu, bố trí ở sông Gò Gia. Chỉ còn duy nhất tàu Nasico Lion neo ở khu vực Bãi Trước do động cơ tàu không hoạt động từ lâu.
Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ Vũng Tàu, Cảng vụ Đồng Nai đều có các đoàn kiểm tra, rà soát và hiện các tàu thuyền đã vào vị trí neo đậu an toàn.
Ở khu vực Trà Vinh, các tàu thuyền đã vào khu vực sông Hậu neo trú bão, chỉ còn một tàu chở than trọng tải 22.000 tấn do mớn nước lớn và không dỡ được hàng. Hiện tàu đã vào neo đậu trong khu vực cảng phía trong các đê chắn sóng Bắc-Nam, đảm bảo an toàn. Khu vực Kiên Giang-Phú Quốc, toàn bộ tàu du lịch đã vào sông Dương Đông tránh trú bão...
Sáng 25/12, một du thuyền với 4 thuyền viên quốc tịch Thái Lan đã vào Côn Đảo tránh bão. Đồn Biên phòng Côn Đảo đã hướng dẫn phương tiện neo đậu tại khu vực Cảng Bến Đầm và đưa toàn bộ thủy thủ đoàn lên bờ.
Trong khi đó, tại Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho biết đến 16 giờ ngày 25/12, các địa phương trong tỉnh cùng lực lượng Quân sự, Công an đã hoàn thành việc giúp dân sinh sống tại các vùng ven biển, ven sông lớn, xã đảo, vùng cù lao di dời về nơi tránh bão an toàn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, Đồng Văn Lâm đã có thông báo cho tất cả công nhân trên địa bàn tỉnh nghỉ làm từ 13 giờ ngày 25/12.
Các lực lượng chức năng cùng tổ chức đoàn thể trực 24/24 tại địa bàn đã được phân công phụ trách để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến của bão số 16.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ 12 giờ ngày 25/12, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho công nhân nghỉ làm việc; các chợ hạng 1, hạng 2, chợ đêm trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đều dừng hoạt động; các bến đò, bến phà, bến khách ngang sông cũng tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan và sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo. Riêng 2 bến phà Đình Khao và An Bình đến 18 giờ ngày 25/12 tạm ngưng hoạt động.
Bên cạnh đó, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và các đài truyền thanh phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão; phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết và chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão.
Ông Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết Ban trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý các tình huống cấp bách.
Tỉnh đã tổ chức sơ tán và vận động hơn 2.390 hộ dân với hơn 3.800 người đến nơi an toàn; hơn 1.300 lồng bè được neo đậu chắc chắn để chống bão.
Tính đến 17 giờ ngày 25/12, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành công tác phòng, chống bão số 16. Theo thống kê sơ bộ, tỉnh đã sơ tán khoảng 3.600 hộ với trên 18.000 người dân vào nơi trú ẩn an toàn, tổ chức chằng chống trên 14.500 căn nhà, thức ăn, nước uống đảm bảo cho người dân tại các nơi trú ẩn; các bến đò ngang, đò dọc đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Trong chiều 25/12, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 16 ở các xã Vị Tân, Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), thị xã Long Mỹ, xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A).
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết sáng 25/12, vẫn còn hiện tượng một số người dân chủ quan về cơn bão số 16, chưa chịu di dời về nơi an toàn.
Trước tình trạng trên, các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa đi kiểm tra, vừa chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời.
Hiện nay, các lực lượng quân đội, công an tỉnh Hậu Giang đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện gồm xe thiết giáp, xe tải, xuồng cao tốc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi có lệnh. Ngoài ra, các phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến cũng được huy động để đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với các địa phương./.