Sáng 18/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 14.
Để chủ động ứng phó với bão, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Đức Quang đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão thực hiện nghiêm Công điện số 90 ngày 17/11 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục kiểm đếm, theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó.
Các địa phương kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ; kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn.
Các địa phương chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng; triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ."
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; phổ biến các kỹ năng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 18/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.604 tàu với 251.796 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Các chủ phương tiện đã nắm được thông tin về bão 14 và đang chủ động di chuyển phòng tránh. Biên phòng Cà Mau báo cáo hiện còn 698 tàu/4541 lao động chưa liên lạc được.
Theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, hồ chứa thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Vĩnh Sơn B: 30 m3/s; Vĩnh Sơn C: 14m3/s; Ka Nak: 15 m3/s; Đak Mi 4a: 64 m3/s; Đakđrinh: 17 m3/s
Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khu vực Nam Trung bộ có 501 hồ (67 hồ chứa có cửa van điều tiết xả lũ, 434 hồ chứa có tràn tự do). Các hồ chứa có tràn tự do về dung tích cơ bản đã tích đầy hoặc xấp xỉ đầy nước, về mực nước cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường
Các hồ chứa có cửa van điều tiết xả lũ dung tích trữ trung bình đạt 60-80% dung tích thiết kế; các hồ đang vận hành xả lũ gồm: Tại Bình Định (hồ Định Bình xả 120m3/s); tại Khánh Hòa (hồ Đá Bàn xả 70m3/s); tại Ninh Thuận (hồ Tân Giang 15m3/s).
Có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Quảng Ngãi 11 hồ, Bình Định 17 hồ... Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).
Khu vực Đông Nam bộ có 113 hồ (4 hồ chứa có cửa van, 109 hồ chứa có tràn tự do). Hiện dung tích trữ các hồ chứa đã cơ bản đạt dung tích thiết kế, có 4 hồ chứa xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ).
Về việc tính toán tham mưu vận hành liên hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hiện mực nước các sông đang ở mức thấp, lưu lượng về hồ giảm; kiến nghị phương án vận hành như hiện trạng đến 11 giờ ngày 19/11.
Tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, trong đó, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau đã có công điện, thông báo, báo cáo triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấm biển từ 15 giờ ngày 17/11. Sáng 18/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh, cấm biển từ 9 giờ 30 cùng ngày./.