So sánh vụ OpenAI đuổi Sam Altman với vụ Apple chia tay Steve Jobs

Vụ việc OpenAI sa thải Giám đốc điều hành Sam Altman đã gây ra làn sóng chấn động trong thế giới công nghệ, được ví tương tự như việc Steve Jobs rời Apple vào năm 1985 .

Việc OpenAI sa thải Sam Altman cũng gây chấn động tương tự việc Apple chia tay Steve Jobs. (Nguồn: The Street)
Việc OpenAI sa thải Sam Altman cũng gây chấn động tương tự việc Apple chia tay Steve Jobs. (Nguồn: The Street)

Việc Steve Jobs rời Apple vào năm 1985 đã gây ra làn sóng chấn động trong thế giới công nghệ. Nó khiến nhiều nhà quan sát tự hỏi liệu Apple có thể tiến lên phía trước mà không có người sáng lập và chuyên gia đổi mới Steve Jobs hay không.

Theo nhiều cách, việc chia tay của Jobs và Apple phản ánh câu chuyện OpenAI sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman, những tin đồn về sự trở lại của CEO này, những lời đe dọa về sự ra đi của hàng loạt nhân viên và việc Altman được Microsoft mời gọi.

Jobs thành lập Apple vào năm 1976 cùng với người bạn Steve Wozniak khi chỉ là một thanh niên 21 tuổi bỏ ngang việc học đại học. Đến năm 1984, Apple giới thiệu chiếc máy tính Macintosh trong đoạn quảng cáo chiếu ở trận siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl. Nhưng doanh số bán hàng của Mac tụt dốc, và Jobs, người bị mô tả là có “tính khí thất thường” vào thời điểm đó, bắt đầu xung đột với John Sculley, CEO mà Jobs đã đưa về từ Pepsi một năm trước đó để giúp điều hành công ty.

Đối với Jobs, Sculley là người cố vấn. Cả hai không thể tách rời trong hai năm đầu tiên của Sculley: Sculley điều hành hoạt động công ty khi Jobs lãnh đạo nhóm Macintosh.

Tuy nhiên, do doanh thu của loại máy tính mới không như kỳ vọng, gây áp lực ngày càng lớn đối với Apple trong việc ổn định hoạt động kinh doanh. Và Jobs ngày càng bị coi là một thế lực gây bất ổn, không thể kiểm soát được tính khí nóng nảy.

Sculley đã đề xuất một cuộc “tái cơ cấu” nhằm tước bỏ mọi quyền lực của Jobs, kết hợp nhóm của ông với nhóm Apple II, vốn tập trung vào lĩnh vực máy tính gia đình.

Quá tức giận, Jobs đã đến gặp Hội đồng Quản trị để tranh luận về trường hợp của mình. Vào tháng 5/1985, Hội đồng Quản trị đứng về phía Sculley. Jobs sẽ vẫn là Chủ tịch nhưng mất vai trò điều hành nhóm Macintosh và những người dưới quyền trực tiếp của ông.

steve jobs apple.jpg
Steve Jobs (trái), CEO John Sculley (giữa) và đồng sáng lập Steve Wozniak tại lễ ra mắt máy tính Apple IIc tháng 4/1984. (Ảnh: AP)

Vào thời điểm đó, các giám đốc của Apple ngày càng thất vọng với hành vi “nóng nảy” của người đồng sáng lập và nói thêm rằng các cổ đông sẽ hài lòng với quyết định này.

Wozniak, người đã rời Apple vào tháng 2 năm đó, nói với tờ New York Times rằng Jobs “không bao giờ chấp nhận thấy mình ở vị trí thứ hai tại Apple”.

Nhiều tháng sau, Jobs cảm thấy đã chịu đựng đủ. Ông đã bán số cổ phiếu trị giá 20 triệu USD của mình và nói với Apple rằng ông sẽ khởi động một dự án kinh doanh máy tính mới. Trong lá thư từ chức, Steve Jobs viết “công ty dường như đang có thái độ thù địch với tôi.”

Trong bản tự truyện của mình, Steve Jobs kể lại đã nói với Hội đồng Quản trị trước khi từ chức rằng ông sẽ tuyển dụng một số nhà quản lý của Apple.

Sculley sau đó viết rằng ông nghĩ mình đã trao cho Jobs quá nhiều quyền lực khi Jobs còn điều hành nhóm Macintosh. “Tôi đã trao cho Steve quyền lực lớn hơn bao giờ hết và tôi đã tạo ra một con quái vật,” Sculley chia sẻ.

Năm nhà quản lý hàng đầu tại Apple đồng ý từ chức để gia nhập công ty mới của Jobs, Next với định hướng phát triển một loại máy tính mới mạnh mẽ dành cho các trường đại học.

Điều đó dẫn tới một cuộc chia ly cay đắng tưởng chừng như không thể hàn gắn được khi Apple đưa đơn kiện cấm Jobs cạnh tranh với công ty mặc dù lúc này Jobs vẫn là cổ đông lớn nhất của Apple với 90 triệu USD cổ phiếu.

Jobs nói vào thời điểm đó: “Thật khó để nghĩ rằng một công ty trị giá 2 tỷ USD với hơn 4.300 nhân viên lại không thể cạnh tranh với 6 người mặc quần jean xanh.”

Hơn một thập kỷ sau, Jobs trở lại Apple và bắt đầu con đường đưa công ty trở thành một thế lực văn hóa và công nghệ như ngày nay. Nhưng trước tiên, tỷ phú này đã bắt tay vào công việc khác.

steve jobs apple 2.jpg
Steve Jobs giới thiệu mẫu điện thoại iPhone của Apple. (Ảnh: DPA)

Ông mua xưởng phim Pixar từ Lucasfilm vào năm 1986, hỗ trợ công ty trong nỗ lực tạo ra bộ phim “Toy Story” (Câu chuyện đồ chơi) vào năm 1995, phim hoạt hình sản xuất hoàn toàn bằng máy tính đầu tiên trên thế giới theo ghi nhận của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ.

Trong cùng thập kỷ đó, ông đã biến Next thành một công ty có ảnh hưởng đến tương lai ngành phần mềm và Internet. Next đã tạo ra một hệ điều hành thu hút được một số khách hàng tên tuổi và giúp đưa Jobs trở lại Apple.

Lúc đó Apple cần Jobs khi công ty lâm vào tình thế khó khăn, với thị phần và lợi nhuận sụt giảm. Vào tháng 12/1996, Jobs và Apple thông báo sự trở lại của ông. Trong một vụ sáp nhập gây ngạc nhiên cho cả ngành công nghệ, Apple mua lại Next và phần mềm của hãng này với giá khoảng 400 triệu USD, và Jobs sẽ được giao trọng trách giúp thực hiện một nhiệm vụ quan trọng: phát triển hệ điều hành mới cho máy tính Mac.

Vào tháng 1/1997, Jobs đánh dấu sự trở lại bằng việc xuất hiện trên sân khấu cùng với Giám đốc điều hành lúc bấy giờ của Apple, Gilbert F. Amelio, tại triển lãm MacWorld Expo. Ông đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Amelio nhưng đến tháng 7, Amelio từ chức và Jobs tiếp quản vị trí CEO Apple.

Trong bài phát biểu năm 2005 tại Stanford, Jobs cho biết việc ông rời Apple năm 1985 là một sự tự do.

Jobs chia sẻ: “Lúc đó tôi đã không nhận thấy điều này, nhưng hóa ra việc bị sa thải khỏi Apple lại là điều tốt nhất đối với tôi. Gánh nặng của thành công đã được thay thế bằng sự nhẹ nhàng của việc lại là người mới từ đầu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục