Số người tin tưởng báo chí chính thống cao gấp đôi so với mạng xã hội

Theo một báo cáo mới được công bố, ở các nước như Mỹ, Anh, truyền thông chính thống có số người tin tưởng cao gấp đôi so với mạng xã hội.
(Nguồn: US News & World Report)

Theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố, hầu hết mọi người không tin truyền thông chính thống nhưng số người nghi ngờ mạng xã hội còn cao hơn, cho dù mạng xã hội dễ lan tỏa những câu chuyện không xuất hiện trên các tờ báo.

Viện nghiên cứu báo chí của Reuters đã tiến hành khảo sát 70.000 người từ 36 nước trên thế giới. Kết quả cho thấy 33% trong số người được hỏi cho rằng họ không tin rằng các bản tin đã đưa sự thật.

Chỉ 24% số người được hỏi nói rằng mạng xã hội đã làm tốt việc phân biệt thật, giả, trong khi 40% số người tham gia khảo sát cho rằng truyền thông chính thống làm được điều này.

Theo Báo cáo tin tức kỹ thuật số thường niên lần thứ sáu, do Viện nghiên cứu báo chí của Reuters tiến hành, ở các nước như Mỹ, Anh, truyền thông chính thống có số người tin tưởng cao gấp đôi so với mạng xã hội. Hy Lạp là nước duy nhất mà những người được hỏi sinh sống tại đây cho rằng mạng xã hội đã làm tốt hơn trong việc phân biệt sự thật so với tưởng tượng.

"Dù truyền thông chính thống không hoàn toàn là sự thật, số người tin tưởng thông tin chính thống vẫn cao gấp đôi so với số người tin mạng xã hội," Nic Newman, trưởng nhóm khảo sát cho biết.

"Tin tức giả có thể là điều tuyệt vời nhất dành cho báo chí trong một khoảng thời gian dài. Nó là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống và tập trung vào chất lượng."

Ông Newman nói rằng điều này đã dẫn tới việc một số cơ quan báo chí ở Mỹ thu phí đọc báo dài hạn, với tỷ lệ 16% số người được hỏi sẵn sàng trả tiền để đọc báo, so với con số 9% ở các nước khác.

Sẵn sàng trả tiền

Mặc dù có quan điểm cho rằng các độc giả trẻ tuổi sẽ không trả tiền để đọc báo trên mạng, bản báo cáo thường niên này lại chỉ ra rằng những độc giả dưới 35 tuổi sẵn sàng chi tiền cho các bản tin có chất lượng, giống như việc họ bỏ tiền ra để sử dụng các dịch vụ âm nhạc và video.

[Hàng ngàn người làm báo mất việc, điều gì đang xảy ra với báo chí?]

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 54% số người được hỏi tiếp cận thông tin thông qua mạng xã hội.

Về mức độ tin tưởng truyền thông, Viện Reuters phát hiện ra sự liên hệ chặt chẽ giữa sự mất niềm tin vào truyền thông với sự sai lệch của thông tin. Sự liên hệ này thể hiện rõ nhất ở các nước có mức độ phân cực chính trị cao như Mỹ, Hungary và Italy. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng rất nhiều lần công kích các hãng truyền thông, cáo buộc họ tung ra tin tức giả. Ông cũng thu hút sự chú ý trong chiến dịch tranh cử với những lời phàn nàn về việc giới truyền thông thiếu công bằng.

"Ở Mỹ, niềm tin dành cho truyền thông đã tăng lên chút ít so với năm trước, một phần bởi rất nhiều thông tin thiếu sự thật đã bị những người ủng hộ ông Trump phát tán (trên mạng xã hội)," ông Newman nói.

"Trong khi đó ở Anh, niềm tin vào truyền thông đã giảm sau khi báo chí cánh hữu thúc đẩy chương trình hậu Brexit."

Ông Newman nói rằng mạng xã hội không biến mất dù người sử dụng đang có xu hướng tiếp cận thông tin thông qua các ứng dụng tin tức và thất vọng vì mức độ tranh cãi ở các mạng xã hội như Facebook hay Twitter.

"Việc phê phán mạng xã hội khá phổ biến nhưng mạng xã hội đưa tin về các biến cố rất nhanh, đặc biệt tại các quốc gia mà truyền thông do chính phủ kiểm soát," ông nói.

Mạng xã hội giúp công chúng có các quan điểm đa chiều hơn về các vấn đề như khủng hoảng di cư hay vấn đề về người đồng tính," Newman nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục