Xung đột và thảm họa đã buộc hơn 33 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay trong chính quốc gia của họ trong năm ngoái, khiến họ phải đối mặt với nguy cơ lớn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Trong báo cáo do Trung tâm giám sát lánh nạn trong nước (IDMC) và Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC) công bố ngày 28/4, con số trên đã nâng tổng số người phải đi lánh nạn ngay trong các nước xảy ra xung đột và thiên tai tăng lên mức kỷ lục 50,8 triệu người, cao hơn nhiều so với khoảng 26 triệu người di tản khỏi quốc gia của họ để xin tị nạn tại những nước khác.
Báo cáo ghi nhận trong năm ngoái, xung đột đã khiến 8,5 triệu người phải di tản tại các quốc gia như Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia và Nam Sudan.
[Hàng vạn người tị nạn Syria trở về Idlib sau thỏa thuận ngừng bắn]
Trong khi đó, số người phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai trong năm vừa qua là 25 triệu người.
Cụ thể, khoảng 4,5 triệu người đã phải chạy lánh nạn do siêu bão Fani hoành hành tại Ấn Độ và Bangladesh, hay cơn bão Idai và Kenneth ở Mozambique và siêu bão Dorian ở Bahamas. Mưa lớn và lũ lụt kéo dài tại châu Phi cũng khiến khoảng 2 triệu người phải di tản trong năm ngoái.
Giám đốc IDMC Alexandra Bilak cho biết những người lánh nạn trong nước thường là những người dễ bị tổn thương sống trong các lán trại đông đúc hay những khu định cư tạm bợ, không có cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc y tế.
Trong bối cảnh đó, đại dịch COVID-19 sẽ càng khiến họ dễ bị tổn thương hơn và càng bị hạn chế tiếp cận những dịch vụ thiết yếu hay viện trợ nhân đạo do điều kiện sống bấp bênh.
Ông Bilak cũng lưu ý hầu hết những người phải di tải do thiên tai thường do chính phủ chỉ đạo hoặc sơ tán để phòng ngừa và hầu hết những người này có thể trở về nhà tương đối nhanh nếu nhà cửa của họ không bị phá hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, ông Bilak cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến các quốc gia gặp khó khăn hơn trong việc triển khai những bước đi cần thiết để sơ tán người dân trước khi các thảm họa thiên tai ập đến, do việc hàng nghìn người tập trung tại các nơi trú ẩn có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan.
Do đó, để cân bằng giữa các nỗ lực cứu trợ nhân đạo với nỗ lực quốc gia chống đại dịch COVID-19 sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các nước trên thế giới./.