Số người nhập cư trái phép vào Italy giảm mạnh trong 7 tháng qua

Trong tháng 7/2024, chỉ có 7.465 người di cư trái phép đến Italy so với 23.404 người cùng kỳ năm 2023, đa số người di cư bất hợp pháp đến Italy là từ Bangladesh (21%), Syria (15%) và Tunisia (13%).

Người di cư được giải cứu lên tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia, trên vùng biển giữa Tunisia và Italy, ngày 8/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư được giải cứu lên tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia, trên vùng biển giữa Tunisia và Italy, ngày 8/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Bộ Nội vụ Italy vừa công bố số liệu cho thấy số người di cư bất hợp pháp từ Địa Trung Hải trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 62% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 7/2024, chỉ có 7.465 người di cư trái phép đến Italy so với 23.404 người cùng kỳ năm 2023. Đa số những người di cư bất hợp pháp đến Italy là từ Bangladesh (21%), Syria (15%) và Tunisia (13%).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Tempi ngày 1/8, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đề cập đến Kế hoạch Mattei như là cơ sở cho sự thành công và cho rằng đây là "kế hoạch rất cụ thể xác định một số lĩnh vực can thiệp mà Italy có thể đóng góp."

Italy sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào châu Phi với hy vọng giải quyết tận gốc vấn đề di cư hàng loạt.

Từ tháng Chín năm ngoái, Chính phủ Italy đã đưa ra gói biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn người nhập cư trái phép. Italy quyết định kéo dài thời gian giam giữ người di cư chờ hồi hương từ mức 3 tháng hiện nay lên đến 18 tháng.

Nước này cũng phê duyệt việc xây thêm các trung tâm giam giữ ở các khu vực cách ly.

Theo luật pháp Italy, người di cư phải hồi hương, nếu không thể bị trục xuất ngay lập tức, có thể bị giam giữ. Nhưng những nỗ lực trước đây để giữ người di cư cũng đã hầu như thất bại, khi những người bị giam giữ liên tục trốn khỏi trung tâm và hướng đến các nước châu Âu giàu có hơn ở phía Bắc của Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục