Số người nghèo ở Trung Quốc giảm mạnh trong 3 năm

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPC), số người nghèo ở nông thôn đã giảm khoảng 67 triệu người từ năm 2010 đến năm 2012.
Một đứa trẻ nghèo bị bắt ép biểu diễn trên đường phố Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPC), số người nghèo ở nông thôn đã giảm khoảng 67 triệu người từ năm 2010 đến năm 2012.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc chỉ có gần 100 triệu nông dân sống trong cảnh nghèo đói.

Lợi nhuận ròng tính trên mỗi đầu người tại các địa phương rất nghèo trong giai đoạn 2010-2012 tăng từ mức 3.279 Nhân dân tệ (537 USD) lên 4.602 Nhân dân tệ (753 USD), với tốc độ tăng trưởng trung bình 18,6%.

Cơ sở hạ tầng tại các vùng này liên tục được cải thiện, giáo dục tại vùng nông thôn cũng từng bước đi lên.

Tính đến cuối năm 2012, 97% trẻ em có độ tuổi 7-15 đã được đến trường. Bản dự thảo định hướng phát triển giảm thiểu đói nghèo cho vùng nông thôn Trung Quốc giai đoạn 2011-2022 đặt mục tiêu lợi nhuận ròng hàng năm tính trên mỗi đầu người là 2.300 Nhân dân tệ.

Trong năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã chi 227,2 tỷ Nhân dân tệ cứu trợ người nghèo, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong năm 2012, con số này lên tới 299,6 tỷ Nhân dân tệ, tăng 31,9%. Các tỉnh thành phố giàu có đã chia sẻ tài chính với các tỉnh thành phố nghèo nhằm giúp đỡ người dân giảm nghèo.

Tuy vậy các tỉnh nghèo tại Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như hàng ngày nhiều trẻ em đi học phải mất hai đến ba tiếng để đến trường. Các chi phí y tế tại đây chiếm 60% mức thu nhập trung bình của người dân tại các vùng nông thôn này. Do vậy nhiều người dân đã không thể đi khám bệnh khi ốm đau.

Bên cạnh đó, các tỉnh nghèo này lại thường có môi trường sinh thái dễ bị tổn thương, khiến các hoạt động xóa đói giảm nghèo khó khăn hơn. Nhiều nông dân rơi vào cảnh nghèo khó do các thảm họa thiên nhiên cũng như sức khỏe yếu.

Để khắc phục các vấn đề trên, Trung Quốc cần sử dụng quỹ cứu trợ có hiệu quả hơn và nâng cao giám sát việc chi tiêu tại các tỉnh nghèo. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp khác như nâng cao tay nghề đội ngũ lao động, xây dựng đường sá, đảm bảo an toàn nguồn cung điện nước, sửa chữa nhà ở nông thôn xuống cấp và phát triển du lịch nông thôn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục