Số người nghèo đói giảm mạnh trong 20 năm qua

Mặc dù số người nghèo đói trên thế giới giảm mạnh trong 20 năm qua nhưng vẫn còn khoảng 870 triệu người suy dinh dưỡng mãn tính.
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho biết, mặc dù số người nghèo đói trên thế giới giảm mạnh trong hai thập kỷ qua nhưng vẫn còn khoảng 870 triệu người bị suy dinh dưỡng mãn tính.

Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cần nhanh chóng hành động để ngăn chặn nạn đói trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Ngày 9/10, ba cơ quan của Liên hợp quốc, gồm Tổ chức Nông Lương (FAO), Quỹ Quốc tế Phát triển Nông Nghiệp (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), công bố một bản báo cáo chung nhan đề: “Thực trạng An ninh Lương thực trên Thế giới năm 2012,” trong đó cho biết từ năm 1990-2007, số người đói trên thế giới giảm mạnh hơn dự kiến.

Giữa các giai đoạn từ năm 1990-1992 và năm 2010-2012, số người đói giảm khoảng 132 triệu, hay giảm từ 18,6% xuống 12,5% dân số toàn cầu.

Nhưng báo cáo chỉ rõ, từ năm 2007, tiến bộ đạt được trong việc giảm nghèo đói trên toàn cầu chững lại, do đó đòi hỏi chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp thích hợp mới đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) nhằm giảm một nửa tỷ lệ người nghèo đói vào năm 2015.

Nếu số người đói giảm trung bình hàng năm trong 20 năm qua tiếp tục đến năm 2015, tỷ lệ người suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển sẽ đạt mức 12,5% dân số thế giới - vẫn cao hơn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đề ra 11,6%, nhưng gần đúng với các dự đoán trước kia của Liên hợp quốc.

Số liệu về số người đói trên thế giới được công bố ngày 9/10 đã sử dụng các thông tin được cập nhật về dân số, nguồn cung cấp lương thực, tổn thất lương thực, nhu cầu năng lượng của chế độ ăn uống và nhiều yếu tố khác. Những số liệu này cũng phản ánh các dự đoán tốt hơn về phân phối lương thực ở các nước.

Các số liệu dự kiến mới trong bản báo cáo cho biết, từ năm 2007-2010, tỷ lệ người đói tăng ít hơn các dự báo trước đây và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 không gây nên tình trạng suy thoái kinh tế ngay lập tức ở nhiều nước đang phát triển như dự đoán.

Nhiều chính phủ cũng thành công trong việc ngăn chặn cú sốc và bảo vệ người dân khỏi các tác động bởi giá lương thực ngày càng tăng trên thế giới.

Báo cáo cho biết, phần lớn trong số 852 triệu người đói sống ở các nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi.

Mặc dù số người suy dinh dưỡng giảm gần 30% ở châu Á-Thái Bình Dương trong hai thập kỷ qua, nhưng số người suy dinh dưỡng ở châu Phi tăng từ 175 triệu lên 239 triệu người trong cùng thời điểm.

Báo cáo đề nghị chính phủ các nước áp dụng phương pháp tiếp cận hai con đường trên cơ sở hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó có tăng trưởng nông nghiệp liên quan đến các hộ nông dân nhỏ và các mạng lưới bảo đảm an toàn cho các khu vực dân số dễ bị rơi vào tình trạng nghèo đói nhất.

Ngoài ra, các chính phủ cần chú trọng bảo đảm các loại dinh dưỡng chất lượng cho dân chúng để đề phòng tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì và các bệnh không truyền nhiễm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục