Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy trong tháng 9 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục 12,6%, với tổng cộng 3,26 triệu người không có việc làm.
Theo Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), nơi đưa ra con số này, thì trong năm nay, đã có vài tháng tỷ lệ thất nghiệp đạt đến mức này, nhưng về mặt con số cụ thể lượng người thất nghiệp, 3,26 triệu người, thì là cao nhất kể từ năm 2004, khi ISTAT bắt đầu áp dụng phương pháp tính mới cho công tác thống kê việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 cao hơn tháng 8 và cùng kỳ năm ngoái 0,1%. Cũng theo ISTAT, số thanh niên không có việc làm và cũng không đi học trong độ tuổi từ 15 đến 24 vẫn ở mức rất cao, 42,9%, thấp hơn tháng trước 0,8%, nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1,9%.
Theo La Repubblica, nhật báo hàng đầu của nước này, tỷ lệ thất nghiệp của Italy tiếp tục tăng cao là một vấn đề nóng bỏng cho chính phủ của Thủ tướng Renzi trong nhiệm kỳ của mình.
Chính phủ đã có những biện pháp nhằm hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp bằng cách giảm thuế 80 euro/tháng cho họ, đồng thời tìm cách gia tăng tỷ lệ người có việc làm bằng các cải cách liên quan đến việc làm cũng như thị trường lao động.
Tuy nhiên, những biện pháp này tỏ ra quá ít ỏi và không đủ khả năng để vực dậy một nền kinh tế đang khủng hoảng và chưa có dấu hiệu hồi phục trong năm 2014.
Cải cách về việc làm, còn gọi là Jobs Act, một cải cách được chính phủ Italy mong muốn thực hiện, hiện đang bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, bất chấp việc Liên minh châu Âu và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ.
Cải cách nhằm tìm hướng đưa Italy khỏi khủng hoảng, thổi một luồng gió mới vào thị trường lao động và giúp cho các nhà đầu tư đến với nước này đang bị các nghiệp đoàn và một bộ phận thiểu số cánh tả phản đối, do một điều luật trong đó cho phép các doanh nghiệp có trên 15 lao động dễ dàng sa thải nhân viên hơn. Hiện gói cải cách này đang được hai viện Quốc hội xem xét thông qua.
CGIL, nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy, đã lên tiếng kêu gọi người lao động tiến hành tổng đình công trên phạm vi cả nước trong tháng 11 này, nếu như chính phủ không rút lại điều luật trên.
Hôm 25/10, CGIL đã huy động được hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình chống chính phủ ở Rome. Hiện nghiệp đoàn công nhân luyện kim FIOM đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của CGIL, với việc tuyên bố sẽ xuống đường biểu tình chống Jobs Act tại Milan ngày 11 và 14/11, tại Napoli ngày 21/11.
Về phần mình, chính phủ tuyên bố sẽ không thay đổi Jobs Act, đồng thời thông qua một cải cách khuyến khích các doanh nghiệp nào thuê mướn nhân công mới được miễn thuế trong vòng ít nhất ba năm tới.
Biện pháp này được cho là để kích thích nền kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, khi Italy đang rơi vào đợt suy thoái thứ 3 trong vòng 6 năm qua.
Theo ISTAT, dù giá cả thị trường đã tăng nhẹ trong tháng 10 sau hai tháng giảm phát, tình hình vẫn không hề có chút cải thiện nào, do sức mua thấp và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cũng như của các doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế không tăng nhiều./.