Số ngày nóng trên 35 độ C tăng vọt tại 20 thủ đô đông dân nhất thế giới

Trong 20 thành phố được nghiên cứu, Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đứng đầu danh sách khi ghi nhận 4.222 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C trong ba thập kỷ qua.

Người dân trùm kín tránh nắng nóng khi di chuyển tại Raipur (Ấn Độ) ngày 15/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân trùm kín tránh nắng nóng khi di chuyển tại Raipur (Ấn Độ) ngày 15/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ngày ghi nhận nhiệt độ vượt 35 độ C tại 20 thủ đô lớn nhất thế giới đã tăng 52% trong 30 năm qua. Đây là kết quả nghiên cứu do Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) có trụ sở tại London (Anh) công bố ngày 28/6.

Báo cáo của IIED đã nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng do nắng nóng cực độ tại 20 thủ đô đông dân nhất thế giới, nơi sinh sống của hơn 300 triệu người.

Dựa trên dữ liệu nhiệt độ của các trạm thời tiết sân bay, các nhà nghiên cứu nhận thấy từ năm 2014-2023, tổng cộng gần 6.500 ngày có nhiệt độ từ 35 độ C trở lên tại 20 thành phố.

Trong 10 năm từ năm 1994-2003, con số này chỉ là 4.755 ngày.

Các thành phố châu Á, chiếm khoảng 50% số thủ đô đông dân nhất thế giới, chứng kiến nhiệt độ tăng cao nhất. Xu hướng này thể hiện rõ trong các đợt nắng nóng gần đây trên khắp khu vực, từ Đông Nam Á đến Trung Quốc và Ấn Độ.

Châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu do dân số đông, nghèo đói và nhiều người dân sống ở các vùng trũng thấp, dễ bị ảnh hưởng do lũ lụt, nước biển dâng và các thiên tai khác.

Trong 20 thành phố được nghiên cứu, New Delhi (Ấn Độ) đứng đầu danh sách khi ghi nhận 4.222 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C trong ba thập kỷ qua.

Trong giai đoạn 2014-2023, số ngày Thủ đô của Ấn Độ ghi nhận mức nhiệt trên 35 độ C bằng 44% con số trên, trong khi giai đoạn 1994-2003 là 35% và giai đoạn 2004-2013 là 37%.

Dữ liệu của trạm thời tiết cũng cho thấy chỉ riêng New Delhi đã ghi nhận đợt nắng nóng dài nhất và nghiêm trọng nhất trong 74 năm, với 39 ngày liên tục có nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C từ ngày 14/5 đến 21/6.

Theo báo cáo của IDE, trong 30 năm qua, số ngày nhiệt độ trên 35 độ C tăng mạnh nhất tại Thủ đô Jakarta (Indonesia), từ 28 ngày trong giai đoạn 1994-2003 lên 167 ngày vào thập kỷ gần đây nhất.

Một số thành phố khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Số ngày trên 35 độ C tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng 309% kể từ năm 1994.

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) có số ngày trên 35 độ C tăng từ 9 lên 58 ngày trong khi Thủ đô Buenos Aires (Argentina) tăng từ 7 lên 35 ngày.

Nhà nghiên cứu Tucker Landesman của IIED cho biết nắng nóng xảy ra không đồng đều trên khắp các thành phố. Nắng nóng cực đoan thường được ghi nhận tại một số khu thương mại và khu vực nhất định. Nguyên nhân là do sự bất bình đẳng và cách thiết kế các tòa nhà cũng như cơ sở hạ tầng công cộng.

Nắng nóng cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm giảm năng suất lao động, hư hại mùa màng, tác động tiêu cực đến kinh tế.

Ông Landesman nhấn mạnh chỉ trong một thế hệ, số ngày nắng nóng cực đoan tăng một cách đáng báo động, ảnh hưởng đến một số thủ đô đông dân nhất thế giới.

Nắng nóng trở nên gay gắt hơn do hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” (tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình ở khu vực phát triển đô thị với nhiều công trình nhân tạo thường cao hơn ở khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên xung quanh).

Chuyên gia này cảnh báo biến đổi khí hậu không chỉ là mối đe dọa trong tương lai, mà đang xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục