Số lượng người nộp đơn xin tị nạn tại Đức giảm năm thứ hai liên tiếp

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết ước tính trong cả năm 2017, tổng cộng có không đến 200.000 người xin tị nạn tại Đức; trong khi đó năm 2016, giảm khoảng 280.000 người.
Số lượng người nộp đơn xin tị nạn tại Đức giảm năm thứ hai liên tiếp ảnh 1Cảnh sát kiểm tra tại thị trấn biên giới Krusa bei Flensburg. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số lượng người nộp đơn xin tị nạn tại Đức đã giảm năm thứ hai liên tiếp sau khi đạt đỉnh năm 2015 trong làn sóng di cư lớn nhất lịch sử thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết ước tính trong cả năm 2017, tổng cộng có không đến 200.000 người xin tị nạn tại Đức.

Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, số người xin tị nạn mới ở nước này chỉ khoảng 173.000 người.

Nền kinh tế đứng đầu Liên minh châu Âu này đã tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn kể từ năm 2015, trong đó một nửa đến từ Syria, Iraq và Afghanistan.

Đức bắt nhiều nghi phạm liên quan kẻ tấn công khu chợ Giáng sinh]

Trong năm đỉnh điểm 2015, số người xin tị nạn tại Đức lên tới 890.000 người.

Tuy nhiên, làn sóng người đổ về Đức đã giảm mạnh sau khi nhiều quốc gia vùng Balkan đóng cửa biên giới, cũng như nhờ thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2015 về việc ngăn người di cư vượt Địa Trung Hải.

Năm 2016, số người xin tị nạn mới ở Đức giảm xuống khoảng 280.000 người.

Vấn đề người tị nạn đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như trên chính trường Đức, trực tiếp tác động lớn đến cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang hôm 24/9 vừa qua.

Uy tín của chính phủ đại liên minh, gồm liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD), đã bị sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có quan điểm bài ngoại lại vượt lên, lần đầu tiên có ghế tại Quốc hội Liên bang.

Trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ mới, CDU và CSU cũng đã đi đến thống nhất việc chỉ tiếp nhận khoảng 200.000 người tị nạn mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Angela Merkel, con số này có thể được chính phủ và Quốc hội điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục